|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Indonesia và Malaysia đe dọa ngừng xuất khẩu dầu cọ sang châu Âu

23:00 | 12/01/2023
Chia sẻ
Theo kênh truyền hình CNN Indonesia, các nhà hoạt động môi trường cáo buộc ngành công nghiệp dầu cọ tàn phá rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á trên diện rộng mặc dù Indonesia và Malaysia đã ban hành các tiêu chuẩn chứng nhận bền vững bắt buộc đối với các đồn điền trồng cọ dầu.

Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và Malaysia (Ma-lai-xi-a) đã đe dọa ngừng xuất khẩu dầu cọ sang Liên minh châu Âu (EU) sau khi EU ra luật mới nhằm bảo vệ rừng và siết chặt việc nhập khẩu các sản phẩm dầu cọ.

Theo kênh truyền hình CNN Indonesia, các nhà hoạt động môi trường cáo buộc ngành công nghiệp dầu cọ tàn phá rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á trên diện rộng mặc dù Indonesia và Malaysia đã ban hành các tiêu chuẩn chứng nhận bền vững bắt buộc đối với các đồn điền trồng cọ dầu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Hàng hóa Malaysia Fadillah Yusof cho biết nước này và Indonesia sẽ thảo luận về luật cấm nhập khẩu dầu cọ và các mặt hàng khác liên quan đến hoạt động phá rừng trừ khi các nhà nhập khẩu có thể chứng minh hàng hóa của mình không liên quan đến nạn phá rừng.

Phát biểu với báo giới ngày 12/1, ông Fadillah cho biết, nếu sẽ huy động các chuyên gia từ nước ngoài để đối phó với động thái của EU nếu cần. Một phương án khác là dừng xuất khẩu sang châu Âu, chỉ tập trung vào các nước khác nếu EU khiến xuất khẩu gặp khó khăn.

Ông Fadillah cũng kêu gọi các thành viên Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) hợp tác chống lại luật mới của EU và “các luận chứng vô căn cứ” của EU và Mỹ về tính bền vững của dầu cọ.

Trước đó, CPOPC, tổ chức do Indonesia và Malaysia đứng đầu, đã cáo buộc EU không công bằng đối với dầu cọ.

Tại cuộc hội đàm song phương hôm 9/1, Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đã nhất trí “đấu tranh chống phân biệt đối xử với dầu cọ” và tăng cường hợp tác thông qua CPOPC.

Trong khi đó, Đại sứ EU tại Malaysia Michalis Rokas cho hay khối này sẽ không cấm nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia và bác bỏ rằng luật chống phá rừng tạo ra rào cản đối với xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Michalis khẳng định điều luật được áp dụng bình đẳng đối với hàng hóa sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả các quốc gia thành viên EU, và nhằm đảm bảo rằng việc sản xuất hàng hóa không dẫn tới nạn phá rừng và suy thoái rừng thêm nữa. Mặt khác, nhu cầu dầu cọ của EU dự kiến sẽ giảm đáng kể trong 10 năm tới, ngay cả trước khi luật mới được thông qua.

Được thông qua năm 2018, Luật năng lượng tái tạo của EU yêu cầu loại bỏ dần nhiên liệu vận tải làm từ dầu cọ vào năm 2030 vì mặt hàng này được cho là có liên quan đến nạn phá rừng.

EU là thị trường tiêu thụ dầu cọ lớn thứ ba trên thế giới. Năm 2022, EU tiêu thụ 1,47 triệu tấn, chiếm 9,4% xuất khẩu dầu cọ của Malaysia.

Hữu Chiến