Một 'mặt trận' khác giữa dòng chiến sự: Nghẹt thở không kém chiến trường ám mùi thuốc súng
Khi nông dân cầm chắc tay súng
Khoảng thời gian này trong năm, anh Yaroslav Andrushko có lẽ đang giám sát công việc gieo hạt trên trang trại rộng 1.000 ha của gia đình ở vùng Vinnytsya, miền trung Ukraine.
Tuy nhiên, thay vì lo công việc đồng án, Andrushko đã mặc quần áo bảo hộ và gia nhập quân đội Ukraine chỉ một ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất nước anh.
Chia sẻ với Bloomberg, Andrushko, CEO của một công ty nông nghiệp nhỏ, cho hay: “Đã từng là nông dân thì mãi mãi là nông dân. Song, hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi phải cầm vũ khí lên chiến đấu”.
Từng là lính nghĩa vụ, anh quyết định tham gia cuộc chiến vì tin tưởng công nhân của mình có thể tiếp tục tự gieo trồng và thu hoạch nông sản. Quả thực, Andrushko tương đối may mắn.
Cho đến nay, trang trại trồng lúa mì, ngô, táo và hoa hướng dương của anh vẫn chưa rơi vào vòng xoáy chiến sự, dù tình hình tài chính và nguồn cấp nhiên liệu đang trở nên khá hạn hẹp.
Khi người dân Ukraine đứng lên chống lại cỗ máy quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đàn ông 36 tuổi Andrushko là một ví dụ khác về sự kiên cường của đất nước Đông Âu.
Không chỉ bảo vệ đất nước trước sự tấn công của một quốc gia khác, Andrushko và những người nông dân như anh còn đang bảo vệ một thành phần cốt lõi của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, thứ vốn đang đứng trước bờ vực sụp đổ.
Kinh tế khăng khít với nông nghiệp
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga, bản thân cũng là một nước xuất khẩu nông sản chủ chốt, đang cố tình nhắm mục tiêu vào đất nông nghiệp, đặt mìn trên cánh đồng và hủy hoại thiết bị cũng kho trữ nông sản của Ukraine.
Các cáo buộc của ông Zelensky đã nhận được sự ủng hộ từ Ủy viên phụ trách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Janusz Wojciechowski. Ông còn cho biết khối kinh tế chung sẽ tìm cách hỗ trợ nông dân Ukraine.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine còn cho biết, nước này không chỉ ngày càng khó xuất khẩu nông sản vì các tuyến đường trung chuyển bị cắt đứt, mà Ukraine cũng cần phải giữ lại nguồn cung hạn chế để trụ vững trong thời gian tới.
Thật khó để nói quá tầm quan trọng của nông nghiệp đối với Ukraine, đất nước có biệt danh là “ổ bánh mì của châu Âu” vì đất đai trù phú, lý tưởng cho việc trồng trọt. Nông nghiệp chiếm hơn 10% nền kinh tế và 40% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Ukraine trước chiến sự.
Vai trò của lĩnh vực nông nghiệp đối với Ukraine còn thể hiện ở việc nông dân được miễn phục vụ trong quân đội để đảm bảo ngành này vẫn tiếp tục trong cuộc xung đột quân sự.
Chiến sự đã phá hủy một số tiến bộ mà Ukraine đạt được trong nhiều thập kỷ mở rộng quy mô ngành nông nghiệp. Vụ thu hoạch lúa mì của nước này vào năm ngoái là đợt thu hoạch lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ ba thập kỷ trước.
Giờ đây, nông dân Ukraine sẽ phải xây dựng lại cơ ngơi, dành thời gian loại bỏ bom mìn còn sót lại trên đồng và xử lý ô nhiễm hóa chất. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã cảnh báo về thiệt hại môi trường “tai hại” mà chiến sự gây ra, bao gồm ô nhiễm nguồn nước và rò rỉ hóa chất.
Một "mặt trận" khác
Ukraine là nhà sản xuất dầu hướng dương lớn nhất thế giới, đồng thời nằm trong số 6 nhà sản xuất lúa mì, ngô, thịt gà và thậm chí mật ong hàng đầu hành tinh, Bloomberg nhấn mạnh.
Bình luận về ảnh hưởng của tranh chấp quân sự đối với lĩnh vực nông nghiệp Ukraine, ông Oleg Nivievskyi - phó giáo sư tại Trường Kinh tế Kiev, cho hay: “Bạn phải khôi phục lại mạng lưới cung ứng, tìm lại người làm và xoay xở nguồn vốn cần thiết để sản xuất trở lại”.
“Để đưa xuất khẩu nông sản của Ukraine trở lại mức trước kia, tôi nghĩ phải mất từ hai đến ba năm. Đây là điều mà những người nông dân đang tự nhủ với nhau”, vị chuyên gia cho hay.
Hiện tại, chỉ một lượng nhỏ ngũ cốc và các sản phẩm khác của Ukraine được vận chuyển ra ngoài bằng đường sắt, sau khi Nga phong tỏa các cảng của Ukraine tại Biển Đen và bắn phá những cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Kiev đang yêu cầu châu Âu cung cấp xà lan và xe tải để giữ cho nông sản xuất khẩu tiếp tục lưu thông.
Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước vốn phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga và Ukraine, đang phải vật lộn với lạm phát tăng vọt vì giá ngũ cốc. Chính quyền Cairo đang xem xét tăng giá bánh mì trợ cấp lần đầu tiên sau 4 thập kỷ.
Trong khi đó, tình trạng thiếu dầu hướng dương đang buộc các nhà cung ứng phải tìm kiếm phương án thay thế. Siêu thị trên khắp nước Anh thì hạn chế lượng dầu ăn mà các khách hàng có thể mua. Cùng lúc, do giá dầu ăn quá cao mà những người bán hàng rong tại Ấn Độ phải hấp thức ăn thay vì rán như bình thường.
Các doanh nghiệp thì gấp rút thay dầu hướng dương trong các công thức nấu ăn từ bánh quy đến khoai tây chiên. Một số siêu thụ và cửa hàng bán đồ ăn nhanh ở Anh thậm chí còn cân nhắc thay dầu hướng dương bằng dầu cọ.
Ở diễn biến khác, nông dân một số khu vực đang cạn kiệt thức ăn chăn nuôi không biến đổi gen, vốn thường đến từ Ukraine. Chính quyền EU buộc phải nới lỏng quy định để nhập khẩu thêm nguồn hàng từ Nam Mỹ.
Ngoài ra, bất ổn tại Ukraine còn gây gián đoạn hoạt động viện trợ lương thực cho các quốc gia có nguy cơ nghèo đói. Somalia nhận gần 70% lượng lúa mì nhập khẩu từ Ukraine và phần còn lại từ Nga. Đất nước Đông Phi còn đang bị đe dọa bởi nạn hán hán tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Tunisia và Libya cũng nhận hơn 1/3 lượng lúa mì từ Ukraine. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, việc vận chuyển hạt đậu Hà Lan và lúa mạch từ cảng Odesa của Ukraine đến Tây Phi cũng đang bị đứt gãy.
Bà Laura Wellesley, một nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chính sách Chatham House (London), cho hay: “Các quốc gia thâm hụt lương thực và có thu nhập thấp luôn dễ bị tổn thương nhất”.
“Song, các hộ gia đình thu nhập thấp ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều đã và đang gặp phải rủi về kinh tế và mất an ninh lương thực”, Bloomberg dẫn lời bà Wellesley nhấn mạnh.
Ủy viên phụ trách nông nghiệp Wojciechowski của EU cảnh báo: “Những gì đang diễn ra ở Ukraine sẽ thay đổi toàn bộ cách tiếp cận và quan điểm của chúng ta về tương lai của ngành nông nghiệp. Chúng ta cần phải triển khai một chính sách phù hợp để đảm bảo an ninh lương thực”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/