Thị trường hàng hóa 24/1: Giá tiêu có thể phục hồi nhẹ, chăn nuôi chịu áp lực CPTPP
1. Tiêu chết hàng loạt, giá tiêu có thể phục hồi nhẹ?
Theo Cục Xuất nhập khẩu, người trồng hạt tiêu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Nhiều diện tích hạt tiêu mất trắng gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Theo thống kê sơ bộ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 92.992 ha hạt tiêu, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, trong đó diện tích tiêu cho thu hoạch 50.099 ha.
2. Căng thẳng Venezuela-Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến giá dầu?
Căng thẳng bất ngờ leo thang mạnh trong mối quan hệ không êm đẹp bấy lâu giữa Mỹ và Venezuela có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường dầu lửa, bởi quốc gia Nam Mỹ này vẫn là một nhân tố quan trọng trên thị trường năng lượng dù sản lượng khai thác dầu giảm sâu.
Ngày 23/1, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận thủ lĩnh đối lập của Venezuela, ông Juan Guaido, là Tổng thống lâm thời của nước này. Phản ứng với động thái của Mỹ, Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Washington và yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải rút khỏi Venezuela trong vòng 72 giờ đồng hồ.
3. Asian Agribiz: Giá gà thịt trắng tăng đột biến tại Việt Nam
Trong tháng cận Tết nguyên đáng, giá gà thịt trắng tại các tỉnh miền Nam tăng đột biến, Asian Agribiz đưa tin.
Giá gà thịt trắng ở miền nam Việt Nam đã tăng vọt lên mức 1,72 USD/kg vào giữa tháng 1/2019, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái và 30% so với tháng 12/2018.
4. Gần 50 tập đoàn công nghiệp Mỹ đề nghị chính quyền Trump bỏ thuế nhập khẩu thép
Hàng chục tập đoàn và doanh nghiệp công nghiệp Mỹ ngày 23/1 đã gửi thư tới chính quyền của Tổng thống Trump khẩn thiết yêu cầu chấm dứt áp thuế cao với nhôm và thép.
Bức thư, có chữ ký của gần 50 tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ, có đoạn viết: “Việc tiếp tục áp đặt các mức thuế đó đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ phụ thuộc vào nhôm và thép nhập khẩu gánh chịu nhiều khó khăn về kinh tế”.
5. Chăn nuôi dưới áp lực của CPTPP
Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại đa biên đối với sản phẩm thịt heo, thịt gà, sức cạnh tranh của Việt Nam so với một số nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn rất yếu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguễn Xuân Cường nhận định: “Năm nay, CPTPP chính thức có hiệu lực và cũng là thời điểm nông nghiệp Việt Nam đối diện với rủi ro tổn thương rất lớn. Điển hình là ngành chăn nuôi khi các nước thành viên CPTPP như Chile, Canada, Australia, New Zealand được đánh giá là tiên tiến, hàng đầu thế giới”.