|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu chết hàng loạt, giá tiêu có thể phục hồi nhẹ?

14:38 | 24/01/2019
Chia sẻ
Nhiều diện tích hạt tiêu ở Gia Lai, Đắk Nông mất trắng do nhiễm bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Liệu đây sẽ là yếu tố khiến nguồn cung hạt bị thắt chặt kéo theo giá tiêu sẽ phục hồi trong thời gian tới?

Tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh

Theo Cục Xuất nhập khẩu, người trồng hạt tiêu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Nhiều diện tích hạt tiêu mất trắng gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Theo thống kê sơ bộ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 92.992 ha hạt tiêu, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, trong đó diện tích tiêu cho thu hoạch 50.099 ha.

Tuy nhiên thống kê đến cuối tháng 12/2018, đã có hơn 3.500 ha hạt tiêu bị chết, gây thiệt hại cho nông dân hàng nghìn tỉ đồng. Hiện các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gần 3.000 ha cây hạt tiêu đang nhiễm bệnh, nên khả năng diện tích tiêu bị chết sẽ còn tăng lên.

tieu chet hang loat gia tieu co the phuc hoi nhe
Tiêu chết hàng loạt, giá tiêu có thể phục hồi nhẹ?

Cây tiêu chết hàng loạt nhưng giá vẫn không ngừng giảm, khiến nông dân càng lâm vào tình cảnh khó khăn hơn. Tính đến giữa tháng 1, giá tiêu giảm 2% so với đầu tháng xuống 48.000 - 49.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng trong 1 cũng chỉ còn 83.000 đồng/kg, giảm tới 30% so với cùng kì năm 2018.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay giá hạt tiêu toàn cầu giảm do chịu sức ép dư cung, nhu cầu yếu, kéo theo giá tiêu trong nước cũng bị ảnh hưởng.

Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu sớm tại tỉnh Đắk Lắk với sản lượng dự báo đạt khoảng 250.000 tấn trong năm 2019.

Tại Ấn Độ, tồn kho hạt tiêu ở mức cao do năm 2018 các nhà máy hạn chế thu mua.

Giá tiêu dự báo phục hồi nhẹ trong năm 2019

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo giá tiêu có thể phục hồi nhẹ trong năm 2019 do sản lượng của các nước xuất khẩu chính không khả quan.

Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế dự báo 4 nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới gồm Việt Nam, Brazil, Indonesia, và Ấn Độ có thể giảm so với năm 2018. Trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam 2019 được kì vọng đạt 175.000 tấn tiêu đen và 25.000 tấn tiêu trắng, tổng sản lượng tiêu sẽ đạt khoảng 200.000 tấn.

So với năm trước, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam được dự báo giảm nhẹ, do giảm diện tích sản xuất hồ tiêu tại một số khu vực.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản khuyến cáo cần thúc đẩy ngành hồ tiêu phát triển bền vững, cần hướng tới tập trung nâng cao chất lượng hồ tiêu. Đồng thời, ngành cần tập trung vào việc giảm tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp, và thúc đẩy phát triển tiêu hữu cơ.

Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1 xuất khẩu hạt tiêu đạt 7.000 tấn, trị giá 21,56 triệu USD, tăng 14,9% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 12/2018. Nếu so với cùng kì năm ngoái, xuất khẩu hạt tiêu chỉ tăng 8% về lượng nhưng giảm hơn 22% về trị giá.

Phòng trừ dịch bệnh ở cây tiêu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với điều kiện mưa lớn kéo dài trong khi hệ thống thoát nước không tốt, cây tiêu rất dễ bị thối rễ, tạo điều kiện cho nấm bệnh Phytophthora spp có sẵn trong đất xâm nhập.

Loài nấm này tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất của cây tiêu, khiến các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt rồi biến thành màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất chết khô.

Khi nhiễm loại nấm này, cây tiêu chết rất nhanh. Kể từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi chết chỉ kéo dài trong 1 - 2 tuần. Không những vậy, bệnh này còn dễ dàng lan rộng sang các loài cây khác.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, ông Trần Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết để phòng trừ kịp thời và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan trên diện rộng của dịch bệnh, người nông dân tồng tiêu cần chú ý cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả.

Theo đó, người dân cần bón phân cân đối đặc biệt là phải bón phân chuồng hoai mục để tăng độ tơi xốp cho đất cũng như cung cấp hệ vi sinh vật có lợi với lượng 25 - 30 kg/nọc và bón đủ đạm, lân, kali, bổ sung thêm phân bón qua lá theo từng thời kỳ sinh trưởng.

Ông Tuấn khuyến cáo nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để ủ phân chuồng là tốt nhất; không xới xáo mặt đất vùng rễ cây khi trời mưa đồng thời, làm rãnh thoát nước tốt.

Khi bệnh xuất hiện thì cần áp dụng một số biện pháp để trị bệnh. Theo đó, trước khi vào mùa mưa hoặc khi vườn tiêu bắt đầu bị nhiễm bệnh cần tiến hành xử lý bằng các loại thuốc hoá học như Ridomil Gold 68 WP, Fortazep 72 WP, Agri-Fos 400.

Liều lượng là phun 2 - 3 lần vào đầu mùa mưa, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày với liều lượng 25 g/8 lít nước. Nếu bệnh quá nặng nên kết hợp với tưới vào gốc và phun lên cây.

Ông Tuấn lưu ý khi phun thuốc cần phun thật kỹ, ướt đều trong thân cành, lá. Những cây hồ tiêu đã bị chết do bệnh cần đào bỏ kịp thời và xử lý đất bằng vôi bột 0,5 - 1 kg/nọc, phơi ải, sau ít nhất 1 năm mới trồng hồ tiêu trở lại.

Xem thêm

Đức Quỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.