|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2019 đặt kỉ lục mới 43 tỉ USD

13:50 | 03/01/2019
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt ngưỡng kỉ lục trên 40 tỉ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỉ USD. Trong năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch đạt trên 43 tỉ USD.

Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỉ USD

Tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt ngưỡng kỉ lục trên 40 tỉ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỉ USD.

nam 2019 xuat khau nong lam thuy san dat muc tieu lap ki luc 43 ti usd
Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 . Ảnh: Đức Quỳnh

Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỉ USD, tăng 1,4%. Thuỷ sản ước đạt trên 9 tỉ USD, tăng 8,5%. Đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỉ USD, tăng 15,7% so với năm 2017.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ (8,86 tỉ USD); tôm (3,59 tỉ USD) rau quả (3,81 tỉ USD); cà phê (3,46 tỉ USD) hạt điều (3,43 tỉ USD).

Ngành làm gì để đạt mục tiêu kim ngạch trên 43 tỉ USD

Trong năm 2019, Bộ trưởng cho biết ngành đặt mục tiêu kim ngạch đạt trên 43 tỉ USD.

Về hoạt động sản xuất trong năm 2019, đối với ngành chăn nuôi, Bộ điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, công nghiệp và bán công nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ phát triển giống vật nuôi chất lượng cao, giống phù hợp với vùng sinh thái, cung ứng đủ giống cho sản xuất; mở rộng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và môi trường (VietGAP và các quy trình tương đương khác).

Trong năm 2019, ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,1%.

Bộ trưởng cho hay trong năm 2018 ngành chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi.

Ngành cũng đã giải quyết căn bản tình trạng cân đối cung - cầu thịt heo. Giá heo, thịt bò, gia cầm vẫn ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt heo đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).

Để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, bảo vệ sản xuất trong nước và ổn định thị trường trước đà tăng mạnh của giá heo hơi và người chăn nuôi đẩy mạnh tăng đàn.

Bộ đã tổ chức họp khẩn với các cơ quan liên quan và 12 doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi để thống nhất triển khai các biện pháp kìm hãm đà tăng giá xuống mức phù hợp.

Đối với thủy sản, trong năm 2019 ngành sẽ tiếp tục phát triển nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển.

Ngành cũng tăng cường thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp thẻ vàng của EC và hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thủy sản theo công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong năm 2019, thủy sản đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,6%.

Đối với trồng trọt, ngành rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm; tiếp tục chuyển đất lúa, các cây trồng hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn hoặc nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, ngành phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau, hoa, cây dược liệu theo hướng công nghệ cao, có triển vọng thị trường tiêu thụ. Năm ngay, ngành đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 1,7%.

Đức Quỳnh