|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường gỗ có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 8

20:58 | 24/09/2020
Chia sẻ
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 8 do nhiều thị trường nhập khẩu mặt hàng này đã dần gỡ bỏ các hạn chế giãn cách.

Bộ NN&PTNT cho biết triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng tới kém khả quan, khi dịch bệnh đang có dấu hiệu quay trở lại và bùng phát mạnh tại một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan 3 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, cụ thế vào tháng 7 đạt 712,2 triệu USD, tăng 56,3% so với tháng 7/2019. 

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2019. 

Gỗ và sản phẩm gỗ là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng tới Mỹ trong nhiều năm qua, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ chiếm tới 8,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tới Mỹ. 

Trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh tới Mỹ. 

Một phần là do dịch COVID-19 khiến cho sản xuất gỗ ở Trung Quốc (nước xuất khẩu lớn nhất thế giới) và một số thị trường chế biến gỗ quan trọng ở châu Âu như Đức, Ý…bị gián đoạn sản. 

Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh, và không bị gián đoạn về sản xuất, không nhà máy nào bị phong tỏa vì có ca nhiễm bệnh. 

Vì vậy, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống do ngành gỗ ở nhiều thị trường cung cấp tới Mỹ bị gián đoạn sản xuất.

Bộ NN&PTNT cho biết xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong nửa cuối năm 2020 có nhiều triển vọng.

Điển hình là tình hình kinh tế tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính trong khối CPTPP đang có dấu hiệu được cải thiện khi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát tại các thị trường trong khối CPTPP, kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang khối thị trường này trong thời gian tới. 

Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch trong thời gian qua nên đã có uy tín trên thế giới tạo thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để ngành gỗ tận dụng hiệu quả các ưu đãi có được từ hiệp định CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2020.

H.Mĩ