|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Yên Bái sắp có hai nhà máy sản xuất gỗ trị giá gần 800 tỉ đồng

14:13 | 18/09/2020
Chia sẻ
2 nhà máy gồm nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm, sản xuất, xuất khẩu Plywood với công suất trên 56.000 tấn gỗ xẻ/năm, gần 190.000 tấn gỗ dán công nghiệp/năm và nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu với công suất 150.000 tấn/năm.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái cho biết ngày 18/9, tại thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn An Việt Phát (AVP) khởi công xây dựng nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm, sản xuất, xuất khẩu PLYWOOD và Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. 

Dự án do Công ty TNHH Năng lượng An Việt Phát, thành viên của Tập đoàn An Việt Phát làm chủ đầu tư xây dựng 2 nhà máy gồm nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm, sản xuất, xuất khẩu Plywood với công suất trên 56.000 tấn gỗ xẻ/năm, gần 190.000 tấn gỗ dán công nghiệp/năm và nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu với công suất 150.000 tấn/năm.

Hai nhà máy được xây dựng trên diện tích trên 16 ha với tổng vốn đầu tư gần 800 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2021.

Yên Bái sắp có 2 nhà máy sản xuất gỗ trị giá gần 800 tỉ đồng - Ảnh 1.

Lễ khởi công xây dựng nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm, sản xuất, xuất khẩu PLYWOOD và Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. (Ảnh: CTTĐT Yên Bái).

Ông Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc triển khai, hoàn thành đưa các nhà máy của Tập đoàn An Việt Phát đi vào hoạt động được kì vọng sẽ đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Bên cạnh đó tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhà đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như đã cam kết; tuân thủ đúng qui định của pháp luật về qui hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các qui định của pháp luật có liên quan. 

Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình cá nhân để triển khai các dự án liên kết sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, cho đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ...

Đối với các đơn vị tư vấn, các nhà thầu cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, qui chuẩn xây dựng; đảm bảo chất lượng, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; không được để quá trình thi công xây dựng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân khu vực lân cận dự án.

Ông Đỗ Đức Duy cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Trấn Yên tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án...

Như Huỳnh