|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sớm gỡ khó cho các dự án điện mặt trời mái nhà ở Gia Lai

20:30 | 20/09/2020
Chia sẻ
Việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm áp lực cấp điện ngay tại chỗ, giảm mức tiêu thụ điện của các hộ dân và tiết kiệm kinh phí đầu tư hạ tầng đường truyền tải điện là rất thiết thực.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời được lắp đặt trên các trang trại nông nghiệp ở Gia Lai đang vấp phải vướng mắc do chưa thể xác định được đâu là hệ thống điện mặt trời mái nhà nên chưa thể ký được hợp đồng mua bán điện.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Gia Lai đã có tổng cộng hơn 1.900 chủ đầu tư đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 860 MWp; trong đó, 1019 chủ đầu tư đã đưa vào vận hành và ký hợp đồng mua bán điện, công suất hơn 26 MWp, 64 chủ đầu tư đã đưa vào vận hành nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, công suất hơn 55 MWp…

Nguyên nhân do ở một số trang trại, các chủ đầu tư đã bất chấp triển khai dự án, trong khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác khiến việc ký hợp đồng bán điện chưa thể thực hiện được.

Theo ông Phạm Trọng Việt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sun Energy cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng dự án nông nghiệp trang trại chăn nuôi dê tại thôn 7, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông. 

Sau khi xây dựng dự án chăn nuôi với phần khung mái có nhiều, doanh nghiệp đã lập dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời và đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, mặc dù đã hoàn thiện cách nay 2 tuần nhưng vẫn chưa thể đóng điện được vì theo chỉ đạo của tỉnh phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác.

Hiện doanh nghiệp đã thực hiện các quy định về đăng ký nhu cầu sử dụng đất với địa phương và cập nhật biến động mục đích vào năm 2021. 

Trước khó khăn như vậy, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan ban ngành của tỉnh tạo cơ chế tháo gỡ, cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được đóng điện và ký hợp đồng bán điện với điện lực, ông Việt mong muốn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang nở rộ các mô hình dự án điện mặt trời được lắp đặt trên mái che của các trang trại nông nghiệp. Song các nhà đầu tư vẫn chưa thể ký được hợp đồng bán điện với điện lực, bởi chưa có hướng dẫn của cụ thể của cơ quan chức năng để xác định có phải là điện mặt trời mái nhà hay không.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Thúy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê Thúy Gia Lai cho biết: "Hiện doanh nghiệp của chúng tôi đã đóng điện thành công, tất cả các thủ tục pháp lý đều đã đáp ứng. Tuy nhiên, còn vướng mắc do chưa có biên bản mua bán điện với điện lực.

Qua tìm hiểu, các cơ quan của tỉnh đang lúng túng trong vấn đề xác định giá điện do chưa phân biệt được công trình của chúng tôi thuộc điện áp mái hay điện trang trại. Chính điều này đã gây khó khăn doanh nghiệp trong vay vốn và kế hoạch giải ngân của ngân hàng. 

Doanh nghiệp rất mong muốn Bộ Công Thương nhanh chóng ban hành quyết định, hướng dẫn cụ thể để chúng tôi sớm ký kết được hợp đồng mua bán điện".

Theo ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mô hình điện mặt trời mái nhà trang trại, đối với loại hình này chưa có hướng dẫn cụ thể. 

Ngoài ra, để công nhận điện mái nhà trang trại là điện mặt trời mái nhà còn phụ thuộc vào quyết định của địa phương về các thủ tục pháp lý sử dụng đất đai, xây dựng, an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ.

Đặt vấn đề về việc đầu tư điện mặt trời trang trại có phải là điện áp mái hay không? Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh cho rằng, theo Thông tư 2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/2/2020, mái của công trình xây dựng phải phù hợp với công năng. 

Do đó, muốn làm được điện áp mái phải có sự xác nhận của chính quyền địa phương và công trình phù hợp với công năng sẽ phù hợp với Quyết định 13.

Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở liên quan kiểm tra, hướng dẫn để các dự án điện mặt trời mái nhà đi đúng lộ trình.

Khuyến khích việc phát triển điện mặt trời mái nhà là chủ trương hợp lý, hiệu quả trong bối cảnh giảm tải an ninh năng lượng và hướng đến môi trường xanh, sạch vì sức khỏe cộng đồng. 

Thế nhưng, hiện tại những quy định để xác định đâu là điện mặt trời mái nhà lại chưa thật sự rõ ràng khiến các nhà đầu tư gặp khó và đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng do không đáp ứng được yêu cầu vận hành phát điện được ghi nhận đến hết ngày 31/12/2020.

Do đó, để các dự án điện mặt trời mái nhà phát huy hết tiềm năng và đúng bản chất thì rất cần sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết sớm từ các ngành chức năng.

Nguyễn Hoài Nam