|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đầu tư điện mặt trời và vấn đề xử lí tấm pin

07:58 | 09/09/2020
Chia sẻ
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất hơn 5.000 MWp.

Các ưu đãi về giá bán điện, thuế... là động lực chính thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là sau nhiều năm sử dụng, liệu những tấm pin mặt trời sẽ được xử lý như thế nào, có ảnh hưởng tới môi trường?

Cuộc đua vào điện mặt trời

Chỉ 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ trong đầu tư các dự án điện mặt trời. Đây là lĩnh vực nóng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, như: Trung Nam (điện mặt trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp và điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh 140 MWp; BIM Energy với 330 MWp hay Trường Thành Việt Nam...).

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho hay, có thể nói, các cơ chế khuyến khích của Chính phủ trong thời gian qua về điện gió, điện mặt trời, rác thải đã thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực này. 

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước quan tâm, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, bởi giá điện rất hấp dẫn, giúp nhà đầu tư sinh lời. 

Ngoài ra, thời gian qua, cũng phải kể đến việc thẩm định, cải cách thủ tục, quy hoạch đã được Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan thực hiện các dự án thông thoáng hơn, nhanh hơn nên giúp các chủ đầu tư tham gia mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam như đã thấy, ông Dũng cho biết thêm. 

Theo ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo BIM Energy, thành viên Tập đoàn BIM Group, những định hướng, chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua như Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam rất là tốt. 

Trong những năm qua, chính sách này đã mang đến sự đột phá cho ngành năng lượng trong nước.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đó cùng với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở cho doanh nghiệp phát triển. Những chính sách tiếp theo sẽ gần với thực tiễn hơn, có thể thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.

"Với nhà đầu tư, có lợi nhuận hấp dẫn cùng cơ chế thuận lợi, ổn định, chúng tôi sẽ tích cực tham gia. Hiện nay, giá bán điện từ các dự án điện sạch là đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư điện sạch, yếu tố giá chỉ là một phần, còn rất nhiều yếu tố liên quan đến tiềm năng khu vực, thuế, phí... 

Do vậy, điều quan trọng hơn là một chính sách ổn định, định hướng rõ ràng và phù hợp thực tế để dựa trên cơ sở đấy có những đối sách, chương trình chiến lược phù hợp. 

Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành công trình đúng hạn, đảm bảo chất lượng và đóng góp vào phát triển chung của đất nước", ông Vinh nói.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quy trình thử nghiệm và công nhận "Ngày vận hành thương mại - COD" cho các dự án điện tái tạo; trong đó, quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai, trách nhiệm từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.

Nhờ đó, các chủ đầu tư có thể chủ động triển khai dự án, kịp vận hành thương mại trước 31/12/2020, để hưởng mức giá mua ưu đãi của Chính phủ. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ nay đến cuối năm 2020 còn khoảng 36 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành thương mại.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, để tiếp tục thu hút mọi thành phần kinh tế vào các dự án điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cần các cơ chế chính sách thông thoáng hơn. 

Bộ Công Thương cũng đang tham mưu, trình Chính phủ cơ chế đặc thù cho phát triển các dự án điện, nguồn điện giúp cho quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, thực hiện dự án thuận lợi hơn.

Không quên môi trường

Theo thông tin của Trung Nam Group, dự án điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh công suất 140 MWp sẽ sử dụng hơn 440.000 tấm pin, dự án Điện mặt trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp sẽ sử dụng hơn 700.000 tấm pin...

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dự án điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới. Đầu tư điện mặt trời có lợi thế nhanh, hưởng nhiều ưu đãi... nhưng với sự tham gia ồ ạt của các dự án điện mặt trời, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu tấm pin được lắp đặt khắp cả nước.

Điện mặt trời được coi là nguồn điện sạch khi sử dụng năng lượng từ mặt trời để chuyển hóa thành điện năng, thay vì sử dụng các nguồn nhiên liệu truyền thống như đốt than, dầu, khí và không có phát thải ra môi trường. 

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Phạm Hoàng Lương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, để sản xuất ra được những tấm pin ấy, phải cần nhiều nguồn nguyên vật liệu. 

Trong quá trình sản xuất nguyên vật liệu đó sẽ tác động đến môi trường. Đó là chưa kể đến việc xử lý sau khi thu hồi các tấm pin năng lượng mặt trời hết thời gian sử dụng. 

Do đó, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành nên đặc biệt quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này.

Lo ngại là đúng, song TS. Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xanh GreenID cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể tái chế nhưng là do chưa chủ động làm hoặc không có khả năng. Chúng ta sẽ làm được khi có các nghiên cứu đầy đủ... 

Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời là khá dài khoảng 20-25 năm. 

Do đó, thời gian tới, cần phát triển công nghệ cho khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin mặt trời khi hết hạn. 

Nhưng trước mắt, phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng mặt trời hiện hữu.

"Khi thay mới những pin cũ sẽ được tái tạo sản xuất ra những tấm pin mới và có thể yên tâm về công nghệ pin mặt trời ngày nay", ông Ngãi nói.

Đại diện doanh nghiệp điện mặt trời, ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty Mặt trời đỏ cho rằng, điện mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. 

"Pin này đều có thể tái chế từ silicon, pin, kính... Vấn đề là các doanh nghiệp phải có nguồn kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội", ông Cánh khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, về mặt công nghệ xử lý tấm pin mặt trời sau khi sử dụng đã có, tuy nhiên vẫn có chi phí khá cao. 

Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí xử lý các tấm pin sẽ ngày càng giảm và phù hợp với chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra đầu tư các dự án điện mặt trời. 

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, hiện nay, theo quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư số 18/2020/TT-BCT về quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương đã quy định rất rõ các chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu gom, xử lý các tấm pin mặt trời, chất thải phát sinh sau quá trình sử dụng và khai thác. 

Vì vậy, vấn đề này sẽ được thực hiện nghiêm, đảm bảo quy định của pháp luật về môi trường.


Đức Dũng