Thị trường dầu đậu nành, dầu cọ Trung Quốc tăng vọt vì dịch tả heo châu Phi
Việc mở hợp đồng trên sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên đối với dầu đậu nành và dầu cọ giao sau đạt mức kỉ lục vào cuối tháng 11, trong khi khối lượng giao dịch tại các thị trường tăng lên cao nhất trong nhiều năm.
Giá cả hai mặt hàng đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2018.
"Dầu đậu nành và dầu cọ đang được nhiều người quan tâm. Về cơ bản, kể từ khi hoạt động nghiền đậu nành chậm lại do dịch tả heo châu Phi, nên không có nhiều dầu đậu nành và điều đó kéo giá dầu đậu nành và dầu cọ lên cao", theo ông Darin Friedrichs, nhà phân tích hàng hóa cao cấp ở châu Á của công ty môi giới INTL FCStone.
"Tuy nhiên, hiện tại, nó đã rất biến động và có rất nhiều giao dịch đầu cơ", ông nói thêm.
Dầu đậu nành, được sử dụng phổ biến trong chế biến và sản xuất thực phẩm, là sản phẩm phụ trong quá trình nghiền đậu nành làm bột - được sử dụng để làm thức ăn cho ngành chăn nuôi khổng lồ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi đã khiến đàn heo Trung Quốc giảm gần một nửa trong năm qua, theo đó thu hẹp nhu cầu đối với bột đậu nành và sản lượng dầu đậu nành, Reuters cho biết.
Tiêu thụ dầu ăn cao hơn trong thực phẩm cũng được xem là yếu tố hỗ trợ, vì các nhà sản xuất thực phẩm đã tăng hàm lượng dầu để bù cho việc phục vụ ít mỡ heo trong các mặt hàng chủ lực hàng ngày.
Để giúp lấp đầy khoảng trống nguồn cung, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,43 triệu tấn dầu cọ - sản phẩm thay thế đậu nành - trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng 23% so với tổng nhập khẩu năm ngoái.
Vị thế mở đối với các hợp đồng dầu đậu nành và dầu cọ tương lai đã tăng lên mức cao kỉ lục khoảng 750.000 và 714.000 hợp đồng vào ngày 20/11, từ khoảng 450.000 và 300.000 hợp đồng hôm 8/10.
Sản lượng dầu cọ thấp hơn dự báo và sự gia tăng trong kế hoạch sử dụng dầu cọ cho dầu diesel sinh học tại nhà sản xuất hàng đầu Indonesia cũng đã thúc đẩy tâm lí thị trường, Shi Hengyu, nhà phân tích chính của dầu thực vật tại Luzheng Futures, cho biết.
"Các thị trường dầu gần đây, đặc biệt là dầu cọ, thực sự rất 'hot'", ông Shi nói.
Trong khi đó, tồn kho đậu nành của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp trong 4 năm do nhập khẩu giảm so với một năm trước đó do đàn heo giảm và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Quốc gia châu Á bắt đầu tái đàn, điều có thể làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm đậu nành, nhưng vẫn chưa rõ sản lượng có thể phục hồi nhanh đến mức nào.
"Các sản phẩm đậu nành sẽ là một lĩnh vực có mức quan tâm ngày càng lớn đối với giới giao dịch vì mối liên hệ của chúng với chu kì chăn nuôi heo", một thương nhân ở Thượng Hải cho biết.