Cuối năm, giá heo lập đỉnh mới mỗi ngày, nhiều địa phương ráo riết lên kế hoạch dự trữ nguồn thịt cho Tết Nguyên đán 2020
An Giang: Cửa hàng không được tăng giá đột biến
Theo Sở Công Thương An Giang, thời gian qua tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, dịch bệnh này đã làm chết nhiều heo và gây tổn thất về kinh tế lớn cho các hộ chăn nuôi.
Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được ngăn chặn, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn hàng trở nên khan hiếm, giá heo hơi liên tục tăng vọt trong thời gian gần đây.
Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tính đến ngày 30/11, toàn tỉnh có 63.569 con heo tại 3.289 hộ chăn nuôi. Trong đó heo thịt có khoảng 33.400 con, heo con theo mẹ khoảng 9.730 con.
Trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 1.000 con heo thịt được giết mổ tập trung để phân phối trên địa bàn tỉnh, trong đó, trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 40%; còn lại phải nhập ngoài tỉnh khoảng 60% như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Giá thịt heo bán lẻ hiện nay tại các cửa hàng tăng từ 8.000 – 20.000 đồng/kg so với tháng 11/2019, sản lượng bán ra giảm từ 10 – 15% so với tháng trước do giá thịt heo tăng vọt, người tiêu dùng phải chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế khác như thịt gia súc gia cầm, thịt bò, thủy hải sản,...đã khiến cho sức mua thịt heo trên thị trường không còn tăng cao.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị các cửa hàng tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo do Sở vận hành như Mega Market, cửa hàng thịt heo Sáu Cúc tại chợ Mỹ Bình, cửa hàng thịt heo Trung tâm tại chợ Bình Khánh, cửa hàng thịt heo Phố Thị tại phường Đông Xuyên,... thực hiện bình ổn giá thịt heo tại cửa hàng, không được tăng giá đột biến.
Đồng thời, ngày 10/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trần Anh Thư đã kí Quyết định về Phê duyệt Kế hoạch Xây dựng mô hình thí điểm tái đàn heo trong giai đoạn bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc-xin tiêm phòng.
Thời gian thực hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020 tại các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới và 2 thành phố Long Xuyên, Châu Đốc.
Theo đó, An Giang sẽ hỗ trợ 20 - 40 hộ nuôi heo thịt thực hiện nuôi tái đàn với số lượng 400 con heo thịt, trọng lượng heo con trên 15kg/con. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1 tỉ đồng.Trong đó kinh phí đối ứng của dân 476 triệu đồng.
Cụ thể, mức hỗ trợ tối đa không quá 510.000 đồng/con; số hộ nhận hỗ trợ 20 - 40 hộ chăn nuôi, tương ứng hỗ trợ 10 - 20 con heo giống/hộ, mức hỗ trợ tối đa không quá 10.200.000 đồng/hộ. Con giống có nguồn gốc rõ ràng.
Đồng thời hỗ trợ 100% chi phí mua vắc-xin, công tiêm phòng các bệnh; chi phí mua máy sục khí Ozon để sát trùng nước uống cho heo; chi phí xét nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi trước khi đưa heo vào nuôi và chi phí xét nghiệm mẫu máu, sau 30 ngày nuôi mới.
Đối tượng được hỗ trợ khi có nhu cầu tái đàn, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, có vốn đối ứng khi tham gia thực hiện, hộ chăn nuôi tại địa bàn xã, thị trấn đã hết dịch dịch tả heo châu Phi và thực hiện cam kết nếu heo nuôi tái đàn trong kế hoạch bị bệnh dịch sẽ không được hỗ trợ tiêu hủy.
Nghệ An: Thực hiện bình ổn nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống
Báo Nghệ An thông tin, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng là khoảng 3 - 10% số dân của tỉnh, dự kiến dịp Tết nguyên đán năm nay, thị trường Hà Tĩnh cần 3.380 tấn thịt tươi sống, trong đó thịt heo khoảng 2.600 tấn, thịt bò 780 tấn, thịt gà 780 tấn.
Theo kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các địa phương dự báo và kiểm tra kiểm soát thị trường.
Cụ thể theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu và giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn quản lí để chủ động có phương án.
Đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh nhất là dịch tả heo châu Phi, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chất lượng sản phẩm, các qui định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá, việc chấp hành các qui định của pháp luật về quản lí giá, thuế, phí...
Xử lí nghiêm các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đồng thời phải xác định hiện nay, dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng, nguy cơ tăng giá rất cao.
Do đó, để góp phần đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường trong dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên Đán thì cần triển khai thực hiện bình ổn đối với nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt bò, thịt heo và thịt gà.
Phú Yên: Yêu cầu các chợ, siêu thị bổ sung nguồn cung thịt heo
Theo báo Phú Yên, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong dịp Tết Canh Tý, Sở Công thương đã làm việc với các đơn vị cung cấp lớn như các siêu thị Co.opmart, Vinmart, Gmart, chuỗi cửa hàng tiện lợi Vmart… yêu cầu phải có kế hoạch dự trữ cũng như bổ sung nguồn cung cấp thịt heo.
Ngành Công thương cũng làm việc với các địa phương, chỉ đạo các ban quản lí chợ tạo điều kiện cho các thương lái tăng cường cung cấp thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cụ thể, đến thời điểm này, Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa đã chuẩn bị nguồn cung ứng thịt heo trong đợt cao điểm cuối năm. Theo đó, ngoài nguồn cung cấp thịt heo của các trang trại địa phương, đơn vị cũng chuẩn bị nguồn thịt bổ sung từ các trại heo ở phía nam.
Dự kiến, thời điểm cận Tết, mỗi ngày siêu thị sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn thịt heo. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chuẩn bị nguồn thực phẩm tươi sống khác khá phong phú như thịt gia cầm, thịt bò, cá, các loại hải sản… để người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn cho bữa ăn ngày Tết.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hằng Vy, Giám đốc Siêu thị Vmart cho biết hiện nay, giá thịt heo tăng cao khiến việc cung ứng khá khó khăn. Mỗi ngày đơn vị đưa ra thị trường nửa tấn thịt heo, với giá ổn định so với các chợ truyền thống.
Tuy nhiên, trong thời gian cao điểm Tết, dự kiến sức tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5 - 6 lần, giá thịt heo cũng sẽ tăng khoảng 30 - 40%.
Do vậy, ngoài nguồn heo tự cung cấp từ trang trại của mình, đơn vị cũng đã làm việc với các trang trại trong cùng hệ thống nuôi heo Green Feed ở khu vực Đắk Lắk, Bình Định và phía Nam để bổ sung thêm nguồn thịt heo trong trường hợp khan hàng tại chỗ.
Ngoài ra, đơn vị cũng liên kết với một số trang trại nuôi heo đen ở địa phương để tạo thêm nguồn thịt cho thị trường.
Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện nhu cầu thịt heo tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khoảng 33 tấn/ngày. Với đàn heo hiện có khoảng 115.000 con, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 18 tấn thịt, chiếm 55% nhu cầu trong tỉnh.
Phần còn lại được cung cấp từ các tỉnh lân cận như Đắk Lắk và các tỉnh phía nam như Bình Dương, Đồng Nai...
Vĩnh Long: Khuyến cáo người chăn nuôi xem xét kĩ khi đầu tư tái đàn
Hiện nay, nhiều người chăn nuôi có tâm lí dù "ham" giá heo đang lên nhưng lo dịch tấn công nên ngại nuôi, chưa dám tái đàn. Chính điều này làm cho giá heo thời điểm những tháng cuối năm càng mạnh hơn, báo Vĩnh Long đưa tin
Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp - PTNT), cho hay hiện nay, do sợ thiếu nguồn cung phục vụ tết nên tâm lí người chăn nuôi phân vân, chưa ổn định, nửa muốn ngưng nuôi do sợ dịch bệnh tái phát.
"Người chăn nuôi nên bình tĩnh, không vội vàng, cần xem xét kĩ lưỡng trước khi đầu tư chăn nuôi trở lại. Chỉ khi người chăn nuôi tự tin nuôi theo hướng an toàn sinh học, có giải pháp ngăn cản mầm bệnh dịch thì hãy suy nghĩ đến tái đàn", ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.
Đồng Nai: Khuyến kích doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học tái đàn
Tại Đồng Nai, hiện các doanh nghiệp sản xuất đang vào mùa chế biến các sản phẩm từ thịt heo để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2020.
Theo báo Đồng Nai, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng mạnh trong khi nguồn cung ngày càng khan hiếm do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi khiến giá heo hơi tiếp tục lập "đỉnh" mới với mức 90.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết hiện một số doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi có kế hoạch mở thêm các cửa hàng bán lẻ về các địa phương và cam kết bình ổn giá thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo từ ngày 20 tháng Chạp cho đến Tết Nguyên đán 2020.
Đồng thời, tỉnh cũng dành 30 tỉ đồng từ ngân sách để bình ổn giá mặt hàng thịt heo dịp Tết.
Cũng theo ông Lộc hiện trung bình Đồng Nai vẫn xuất khoảng 7.000 con heo/ngày cung cấp cho thị trường nội tỉnh và TP HCM, đảm bảo nguồn heo cung ứng ra thị trường. Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về tình hình đầu cơ, tăng giá hoặc xuất heo tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Tuy giá heo hơi liên tiếp lập "đỉnh" mới nhưng người chăn nuôi vẫn khá dè dặt trong việc tái đàn vì lo rủi ro lớn do dịch tả heo châu Phi.
Theo các địa phương, có rất ít các hộ chăn nuôi tái đàn vì thực tế một số hộ tái đàn sau dịch và đã bị tái phát dịch. Những trường hợp này sẽ không được nhận hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước do không thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn sinh học chăn nuôi theo qui định.
Trong đó, TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch không có qui hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đa số các hộ chăn nuôi heo hiện đều chuyển đổi sang nghề nghiệp khác.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công đánh giá tuy tình hình lây lan dịch tả heo châu Phi hiện nay đã giảm nhưng thực tế, một số tỉnh, thành tái đàn không thành công vì bị tái dịch.
Tại Đồng Nai, hiệp hội thống kê được có hơn 20 hộ tái đàn thành công, qui mô trung bình của các trại này là khoảng 300 con/trại.
Cũng theo ông Công, phương án nhập thịt heo cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2020 không quá khả thi vì việc lập thủ tục, hồ sơ nhập khẩu cần thời gian cả tháng. Tỉnh nên tính đến giải pháp tăng sử dụng nguồn thịt gia cầm và các nguồn thịt khác.
Cụ thể, heo tăng giá khiến sức tiêu thụ thịt gà hiện tăng khoảng 20% so với trước. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm việc đa dạng sản phẩm chế biến từ thịt gà để đáp ứng tốt hơn cho thị trường.