|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thêm cách bán, IPO năm mới sẽ đắt hàng

11:02 | 10/02/2018
Chia sẻ
Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ có hơn 150 doanh nghiệp nằm trong diện thoái vốn nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như MobiFone, Vinataba, PV Power, Genco3... Việc có thêm phương thức bán mới là dựng sổ cùng với đà sôi động của các cuộc đấu giá năm 2017, kỳ vọng công tác chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước sẽ ghi nhiều dấu ấn trong năm Mậu Tuất sắp tới.
them cach ban ipo nam moi se dat hang Thị trường IPO năm 2017 sẽ ảm đạm?
them cach ban ipo nam moi se dat hang IPO Doanh nghiệp Nhà nước: 'Ngóng' nghị định mới!

Năm cũ, thoái vốn nhà nước lên ngôi

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nếu như 2015, 2016 là năm của cổ phần hóa (IPO), thì 2017 là năm lên ngôi của hoạt động thoái vốn nhà nước, khi các phiên IPO chỉ chiếm 20%, trong khi các phiên đấu giá thoái vốn chiếm tới 71% tổng số các phiên đấu giá, tương đương 34/48 doanh nghiệp.

Điểm sáng trong hoạt động thoái vốn năm 2017 có thể kể tới như có 28/34 phiên bán được 100% số cổ phần chào bán, với hơn 169 triệu cổ phần trúng giá, số vốn thu về cho Nhà nước đạt trên 2.630 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần đạt hơn 933 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 934 tỷ đồng; giá trúng trong các phiên thoái vốn ở mức cao, nhiều phiên có giá trúng gấp từ 2 - 4 lần so với mệnh giá và cao hơn nhiều so với giá trúng giá khi thực hiện IPO. Thống kê cũng cho thấy, có tới hơn 30% số phiên thoái vốn có giá trúng giá bình quân gấp từ 1,5 - 2,5 lần so với giá khởi điểm.

Đối với hoạt động IPO, toàn thị trường có 11 đơn vị tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu thông qua sàn HNX, con số ghi nhận trên sàn HOSE là 9 đơn vị. Tổng số lượng chào bán đạt 662 triệu cổ phần, tổng lượng được mua đạt hơn 127 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ thành công là 19%.

Đáng chú ý, năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán ngay sau khi tiến hành IPO như HB Bank (mã HDB), VP Bank (mã VPB), Sanest Khánh Hòa (mã SKH), Tổng công ty Thanh Lễ (mã TLP)...

them cach ban ipo nam moi se dat hang
Nhà nước thu về 5.566 tỷ đồng từ đợt IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Các doanh nghiệp thực hiện IPO và thoái vốn có ngành nghề kinh doanh đa dạng, từ nhiệt điện, thủy điện, dầu khí, nông - lâm nghiệp, thực phẩm đến du lịch, gạch men, giao thông, thương mại, dịch vụ... Việc nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn thực hiện IPO, thoái vốn nhà nước được đánh giá vừa bổ sung nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán, vừa giúp Nhà nước thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Đơn cử, sau phiên đấu giá 343 triệu cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương với hơn 53% vốn điều lệ, Nhà nước thu về hơn 4,5 tỷ USD, tức gần 110.000 tỷ đồng. Hay như phiên IPO của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Viglacera) đã thu hút sự chú ý của hơn 1.000 nhà đầu tư, cao nhất kể từ năm 2015, với 92% lượng cổ phần trúng giá được bán cho nhà đầu tư nước ngoài...

Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, nhiều cuộc đấu giá cổ phần của khối doanh nghiệp tư nhân cũng gặt hái thành công vang dội, chẳng hạn thương vụ bán cổ phần tại Vincom Retail, Vietcombank, HDBank, VPBank..., trong đó thương vụ bán 21,8% cổ phần Vincom Retail được đánh giá là “giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân thành công nhất châu Á - Thái Bình Dương” trong năm 2017, với giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục 741 triệu USD.

Bên cạnh những thương vụ đấu giá cổ phần thành công, thị trường cũng chứng kiến không ít trường hợp "bom tấn" trở thành "bom xịt". Ví dụ, hơn 311 triệu cổ phần của Becamex IDC được đưa ra đấu giá cuối tháng 11/2017, nhưng tỷ lệ thành công chỉ khoảng 6%, tương đương gần 19 triệu đơn vị. Hay như phiên đấu giá gần 220 triệu cổ phần của Tổng công ty Sông Đà mới đây, khối lượng giao dịch thành công chỉ vỏn vẹn hơn 0,8 triệu đơn vị.

Năm mới thêm cách bán, đấu giá sẽ sôi động hơn?

Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, ngoài 3 phương thức bán cổ phần trước đó (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), từ 1/1/2018 có thêm phương thức mới là dựng sổ (Book building).

Thực tế cho thấy, phương thức dựng sổ đã phát huy tác dụng trong những phiên đấu giá cổ phần lớn đầu năm nay. Chẳng hạn, trong phiên đấu giá 206,8 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) ngày 25/1 vừa qua, toàn bộ số cổ phần này được đặt mua với giá trung bình 20.196 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phần, giúp Nhà nước thu về 4.177 tỷ đồng, cao hơn 51% so với kế hoạch.

Trước đó, phiên IPO 242 triệu cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ) của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận được kết quả ngoài mong đợi, khi Nhà nước thu về 5.566 tỷ đồng (cao hơn 57% so với dự kiến ban đầu) nhờ mức giá trúng bình quân đạt 23.043 tỷ đồng/cổ phần, cao hơn 57,8% giá khởi điểm là 14.600 đồng/cổ phần.

Đáng chú ý, phiên IPO của BSR đã ghi nhận nhiều kỷ lục như số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá nhiều nhất (4.079 nhà đầu tư), lệnh đặt mua có mức giá cao nhất (14,8 triệu đồng/cổ phần và có 10.000 cổ phần được đặt mua).

Theo kế hoạch, trong năm 2018 sẽ có hơn 150 doanh nghiệp nằm trong diện thoái vốn nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như MobiFone, Vinataba, PV Power, Genco3... Với tính hiệu quả của phương thức đấu giá mới, cùng với đà tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt chào bán thành công trong năm Mậu Tuất.

Trí Anh