Thành phố nào của Trung Quốc sẽ 'lĩnh đòn' chiến tranh thương mại nặng nhất?
Thái Lan tuyên bố 'đủ khỏe' trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung | |
Chuyên gia kinh tế Stephen Roach: Mỹ có thể thua trong chiến tranh thương mại |
Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump muốn leo thang cuộc chiến thương mại bằng cách đánh thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, thống kê 10 thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc năm ngoái cho thấy thành phố Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông là nơi dễ tổn thương nhất trước các biến động về thị trường xuất khẩu.
Thành phố công nghiệp tại Đồng bằng Sông Hoàng Hà này phụ thuộc vào xuất khẩu để tạo ra 92,7% tăng trưởng kinh tế trong năm ngoái, một tỷ lệ cao kỷ lục, theo số liệu của chính quyền địa phương. Xuất khẩu vào Mỹ chiếm khoảng 1/5 tổng xuất khẩu của Đông Quản.
Lắp ráp thiết bị điện tử tại nhà máy Điện tử Alco tại thành phố Đông Quản. Nguồn: AP. |
Thành phố Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô là nơi phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ chiếm đến 28,7% tổng xuất khẩu của thành phố này. Xuất khẩu đóng góp đến 73,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tô Châu.
Các thành phố khác của Trung Quốc cũng có thể hứng chịu thiệt hại từ các hành động thương mại của Mỹ, gồm Thượng Hải, Thâm Quyến và Ninh Ba. Cả ba thành phố này đều phụ thuộc vào xuất khẩu để tạo ra hơn một nửa tăng trưởng kinh tế.
Số liệu cho thấy thành phố Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở chính của hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc – ZTE và Huawei, xây dựng 73,7% nền kinh tế dựa trên nền tảng xuất khẩu.
Ảnh minh họa. Nguồn: AFP. |
Ông Louis Kuijs – chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại Oxford Economics, cho biết thiệt hại do thuế quan trừng phạt gây ra cho các trung tâm xuất khẩu ven biển có thể lan đến các thành phố có hoạt động công nghiệp đáng kể khác của Trung Quốc, như Hợp Phì và Thanh Đảo.
Thành phố Hợp Phì tại tỉnh An Huy là nơi “đóng đô” của hãng xuất khẩu đồ gia dụng Midea, trong khi thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, là nơi đặt trụ sở của nhà sản xuất đồ điện tử và gia dụng Haier.
Ông Kuijs cho biết, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc ngày nay được trang bị tốt hơn để chống chọi với các tác động từ chính sách thương mại của Mỹ so với thời điểm năm 2008 khi cuộc đại khủng hoảng tài chính bùng nổ, khiến 20 triệu công nhân mất việc làm. Theo ông, Trung Quốc ngày càng có sức “đề kháng” tốt hơn với những cuộc tấn công thương mại nhờ tiến lên trên chuỗi giá trị trong thập kỷ qua.
Khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng lún sâu vào cuộc chiến tranh thương mại tổng lực, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này 90 ngày để yêu cầu loại một số sản phẩm nhất định của Trung Quốc ra khỏi danh sách chịu thuế để hạn chế tối đa những bức xúc trong lòng nước Mỹ.
Ngày 10/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ áp thuế bổ sung 10% lên hàng nghìn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thực phẩm, thuốc lá, hóa chất, than đá, nhôm và thép. Ngoài ra, hàng loạt sản phẩm tiêu dùng cũng nằm trong danh sách chịu thuế, như lốp ô tô, đồ nội thất, sản phẩm gỗ, vali và túi xách, thức ăn cho chó mèo, gang tay bóng chày, xe đạp, giấy vệ sinh và sản phẩm làm đẹp.
Ông Raymond Yeung – chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Đại lục tại Ngân hàng ANZ, cho rằng tác động của thuế quan lên vùng ven biển vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu được giảm nhẹ nhờ doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất vào các tỉnh nội địa hoặc ra nước ngoài để phân tán rủi ro về mặt địa lý.
Xem thêm |