|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tham vọng nâng giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu

21:22 | 18/10/2017
Chia sẻ
Trong bối Việt Nam đang phải cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu, cùng với những quy định mới đòi hỏi nguồn cung gỗ hợp pháp, các doanh nghiệp Việt Nam cần tính tới nâng giá trị sản phẩm gỗ.

Chuyển đổi sang cung gỗ hợp pháp

Doanh nghiệp ngành gỗ đang đứng trước yêu cầu bắt buộc là phải đảm bảo các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn cung gỗ hợp pháp theo cam kết mà Việt Nam đã ký hồi tháng 5/2017.

Theo đó, Việt Nam đã chính thức ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện (FLEGT VPA) với EU. Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam phải đảm bảo toàn bộ các sản phẩm gỗ, bao gồm cả các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu phải là các sản phẩm được sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp.

tham vong nang gia tri san pham go xuat khau
Các doanh nghiệp cần chuyển sang chế biến sâu để nâng cao giá trị ngành gỗ. Trong ảnh: Xưởng sản xuất của Công ty Gỗ Trường Thành. Ảnh: Đức Thanh

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trend cho biết, các doanh nghiệp lâu nay xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào 2 thị trường lớn là EU và Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng khi Việt Nam ký FLEGT VPA, vì những doanh nghiệp này thường nhập khẩu nguồn cung gỗ từ chính 2 thị trường trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.

Việc siết chặt cung gỗ bất hợp pháp có thể thấy qua câu chuyện của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tài Anh, khi 44 container gỗ của doanh nghiệp này không được thông quan do nghi ngờ gỗ có nguồn gốc không hợp pháp.

Ông Hà Đăng Tài, Giám đốc Công ty cho biết, nguyên nhân không được thông quan liên quan tới chứng chỉ CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Theo quy định, một số loài gỗ như trắc, gỗ hương, cẩm lai… được phép buôn bán quốc tế với điều kiện phải có giấy phép CITES do cơ quan thẩm quyền tại các quốc gia thành viên cấp.

Ông Tài cũng cho biết thêm, doanh nghiệp của ông đã phải chuyển hướng sang nhập khẩu gỗ từ khu vực châu Phi, khi nguồn cung gỗ từ Lào, Campuchia, Indonesia có thủ tục pháp lý không rõ ràng.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổ chức Forest Trend, khu vực châu Phi và một số nước Tiểu vùng sông Mekong không đủ điều kiện so với yêu cầu của FLEGT. Hiện nguồn cung nguyên liệu và gỗ nguyên liệu từ thị trường châu Phi vào Việt Nam rất lớn, lên tới gần 1 triệu m3/năm. Nhưng đây là nguồn cung rất rủi ro liên quan tới khai thác gỗ ở những vùng cấm.

Lời giải nào cho nâng giá trị ngành gỗ?

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ năm nay có thể đạt 8 tỷ USD, nhưng đứng trước thực tế cung gỗ thu hẹp, Việt Nam đã đề ra mục tiêu ưu tiên tập trung vào sản xuất chế biến sâu.

Trong “Hội thảo xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017, diễn biến mới về thị trường” tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Dương Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đặt kỳ vọng ngành gỗ sẽ có những doanh nghiệp dẫn dắt trong việc đón đầu những thị trường có giá trị xuất khẩu cao và sản xuất các sản phẩm gỗ đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Nhưng nhìn bức tranh xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu dăm gỗ và viên nén. Ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ liên tục được mở rộng từ con số 47 nhà máy năm 2009 lên 130 nhà máy năm 2016. Tuy nhiên, xuất khẩu dăm gỗ đem lại giá trị không cao. Lượng dăm gỗ xuất khẩu mỗi năm bình quân lên tới 7-8 triệu tấn dăm khô, tương đương 14-16 triệu m3 gỗ quy tròn, nhưng giá trị mang lại chỉ khoảng 1 tỷ USD (bằng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cả nước).

Trong khi đó, giá xuất khẩu dăm gỗ thời gian qua liên tục giảm, năm 2015 là 145 USD/tấn, thì năm 2016, giá đã giảm xuống 137 USD/tấn và 6 tháng đầu năm nay giá tiếp tục giảm xuống còn 132 USD/tấn.

Năm 2016, Chính phủ đã áp dụng mức thuế xuất khẩu 2% với kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu giúp hạn chế xuất khẩu dăm để có nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ các ngành chế biến sâu. Ông Nguyễn Như Xuân, Giám đốc Công ty Vijachip Cái Lân (Quảng Ninh) cho rằng, hạn chế xuất khẩu dăm gỗ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn gỗ chế biến sâu là chủ trương đúng. Tuy nhiên, gỗ phục vụ chế biến sâu đòi hỏi có thời gian trồng lâu, đi cùng các chính sách khác như hỗ trợ tín dụng, tích tụ đất đai. Trong khi đó, với địa hình chia cắt, nhiều gia đình được giao rừng chủ yếu chỉ sở hữu từ 0,5-2 ha đất, dẫn đến khó đầu tư cho rừng gỗ có diện tích lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tô Xuân Phúc khẳng định: “Với đặc điểm rừng trồng Việt Nam chủ yếu là hộ gia đình, nên để có nguồn cung cho chế biến sâu, cần có chính sách khuyến khích thay đổi hình thức đầu tư từ chế biến nhỏ như gỗ dăm sang đầu tư rừng gỗ lớn”.

“Tương lai cho xuất khẩu về lý thuyết là đầu tư chế biến sâu, giảm chế biến thô, nhưng ngành gỗ của Việt Nam chưa có chiến lược phát triển. Chỉ khi nào có chiến lược rõ ràng và có được cam kết từ các bên liên quan, thì chúng ta mới có khả năng thúc đẩy tạo ra giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng đột biến”, ông Phúc nói.

T.H