Thái Lan 'cầu cứu' nhiệt điện than
Trong diễn đàn Năng lượng quốc tế, Bộ trưởng Siri Jirapongphan bày tỏ rằng, nhiệt điện than ở Thái Lan hiện tại rất thấp (chưa đến 20%) trong cơ cấu điện quốc gia. Hiện Thái Lan đang xem xét phương thức đa dạng hóa ngành điện bằng việc tăng tỷ lệ nhiệt điện than ở mức hợp lý.
Nhà máy Điện than Mae Moh Power Plant ở Thái Lan
Theo các chuyên gia, mong muốn của Thái Lan không quá bất ngờ. Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ vấp phải nhiều sự phản đối của các địa phương, cũng như hai dự án Krabi và Songkhala đã bị đóng băng ở phía Nam Thái Lan, nơi du lịch phát triển rất mạnh.
Dường như sẽ chẳng có gì thay đổi với hai dự án trên nhưng ông Siri Jirapongphan vẫn khẳng định, sẽ đưa ra bản đánh giá để tìm các vị trí thích hợp hơn cho đến cuối năm 2018. Như vậy, than có thể đáp ứng được mức tăng tiêu thụ điện dự kiến (tăng 90% từ năm 2015-2036 theo số liệu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế - Irena).
Năm 2016, dầu mỏ và khí tự nhiên chiếm gần 82,8% lượng tiêu thụ năng lượng ở Thái Lan và chiếm 2/3 cơ cấu sản xuất điện, trong khi than chỉ chiếm gần 1/5 (chủ yếu là than nâu).
Dù sự phát triển của năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh trong 10 năm qua, nhưng chúng chỉ chiếm 10% trong cơ cấu sản xuất điện của Thái Lan năm 2016 (trong đó thủy điện chiếm một nửa).
Đáng chú ý, sau 2 năm sụt giảm, mức tiêu thụ than trên toàn cầu tăng gần 1% do nhu cầu sản xuất điện mạnh mẽ của các quốc gia châu Á vào năm 2017 (số liệu thống kê từ Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA vào tháng 3-2018). Dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra chủ yếu do quá trình đốt than, nhưng nhiệt điện than vẫn đứng đầu trong cơ cấu ngành điện toàn cầu (chiếm 38%).
Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Indonesia và Việt Nam đều dùng nhiều than để sản xuất điện. Nguyên nhân vì than có thể thay thế khí đốt đáp ứng nhu cầu năng lượng cấp bách, nhất là nhu cầu khí đốt đang tăng lên mạnh mẽ. Trong khi Thái Lan dự kiến phải đẩy mạnh nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với 35 triệu tấn LNG vào năm 2035 so với con số 3,7 triệu tấn năm 2017 do thiếu đầu tư vào khai thác sản xuất điện than.
Theo báo cáo của IEA vào cuối tháng 10-2017, than có thể đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng bổ sung của khu vực Đông Nam Á vào năm 2040, vượt xa khí đốt trong cơ cấu ngành điện. Điều này dẫn đến lượng khí thải CO2 sẽ tăng lên mạnh mẽ (tăng 75% vào năm 2040) dù đã áp dụng công nghệ siêu tới hạn (than sạch) cho các nhà máy nhiệt điện than.
Năm 2016, dầu mỏ và khí tự nhiên chiếm gần 82,8% lượng tiêu thụ năng lượng ở Thái Lan và chiếm 2/3 cơ cấu sản xuất điện, trong khi than chỉ chiếm gần 1/5 (chủ yếu là than nâu). |