|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiệt điện than có thể chiếm hơn 50% sản lượng điện Việt Nam năm 2030

14:15 | 13/12/2018
Chia sẻ
Trong thời gian tới Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện. Dự kiến Việt Nam có thể mua từ Lào khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030.

Nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng

Tại Hội thảo Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than, ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho hay hiện nay đã cơ bản khai thác hết các nguồn thủy điện lớn và vừa.

Chỉ còn một số ít các dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp đang khai thác dần, tiềm năng khoảng 4.000 - 5.000 MW. Điện năng sản xuất từ thủy điện năm 2030 chỉ chiếm khoảng 12,4 %.

nhiet dien than co the chiem toi tren 50 ti trong dien nam 2030
Nhiệt điện than có thể chiếm tới trên 50% tỉ trọng điện năm 2030. Ảnh: Đức Quỳnh

Trong khi đó, hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc và Lào.

Ông Lực cho hay: “Trong thời gian tới Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện. Dự kiến Việt Nam có thể mua từ Lào khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030”.

Nhiệt điện than có giá hợp lí?

Ông Lực nhận định, nguồn thủy điện có giá thấp nhất đã cơ bản khai thác hết tiềm năng. Trong khi đó, nguồn nhiệt điện khí có giá cao, phụ thuộc nhiều vào giá khí. Thực tế, nguồn khí mỏ trong nước đang dần cạn. Mỏ khí mới có trữ lượng hạn chế. Dự kiến đến năm 2021, Việt Nam phải nhập khẩu khí gas hóa lỏng từ năm 2021.

Đối với nguồn điện tái tạo, giá điện cao, vận hành ổn định lại phụ thuộc vào thời tiết, cần có nguồn dự phòng.

Ông Lực kết luận: “Nguồn nhiệt điện than có giá hợp lí, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện, lượng điện năng sản xuất năm 2030 của nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện của hệ thống”.

Phó Cục Trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh, trong những năm tới đây nhiệt điện than vẫn là phải là nguồn năng lượng quan trọng, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo được việc cung cấp điện với giá hợp lí cho người dân.

PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kĩ thuật Nhiệt Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng. Vì vậy, việc phát triển nhiệt điện đóng vai trò quan trọng.

“Một số nước tuyên bố “đoạn tuyệt” với nhiệt điện than. Tuy nhiên, tỉ trọng nhiệt điên than của các nước này rất thấp, điển hình như Thụy điển chỉ 1%, Pháp 3,1%. Tôi đố nước Pháp tuyên bố đoạn tuyệt với điện hạt nhân, vì điện hạt nhân của Pháp chiếm tới 80%”, ông Nghĩa đưa ý kiến.

Nhiệt điện than luôn đạt các quy chuẩn quản lí môi trường của quốc gia?

Liên quan đến lo ngại nhiệt điện có thể phát thải khí bụi, gây ô nhiễm môi trường, ông Nghĩa cho rằng, nhiệt điện than là loại nhà máy có công nghệ xử lí môi trường tốt nhất và tốn kém nhất trong các loại nhà máy công nghiệp sử dụng than và luôn đạt các quy chuẩn quản lí môi trường của quốc gia.

Ông Nghĩa cho hay, ba năm gần đây xuất hiện nội dung phê phán nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn khí nhà kính CO2; thải ra nhiều tro xỉ, nhiều khí độc hại SO2, Nox. Tuy nhiên, những thông tin như vậy chưa chuẩn xác, nhiều suy diễn.

Ông Lực cho rằng, giai đoạn 2020 - 2030 và những năm tiếp theo, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước cần phải phát triển triển các dự án nguồn điện gồm nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện với tỷ lệ thích hợp, đảm bảo các mục tiêu chủ yếu đã đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Đồng thời với phát triển năng lượng tái tạo, nhiệt điện khí, thì nhiệt điện than vẫn là giải pháp cơ bản đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lí, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân.

Một giải pháp khác mà Lực đề cập là đảm bảo cung cấp đủ than, khí để vận hành phát điện, bổ sung quy hoạch và thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đồng bộ với hệ thống lưới điện.

Đức Quỳnh