|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tính giá theo vùng để điện mặt trời phát triển đồng bộ

09:08 | 10/03/2019
Chia sẻ
Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 11 về cơ chế giá và hợp đồng mua điện mặt trời đã gây nhiều quan ngại cho các chuyên gia, nhà đầu tư.

Tính giá theo vùng để điện mặt trời phát triển đồng bộ - Ảnh 1.

Một dự án điện mặt trời tại Bình Thuận ẢNH: CHÍ HIẾU

Dự thảo quyết định của Thủ tướng thay thế Quyết định 11 năm 2017 về cơ chế hỗ trợ điện mặt trời mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến đã gây nhiều quan ngại cho các chuyên gia, nhà đầu tư xung quanh cơ chế giá và hợp đồng mua điện.

PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), về vấn đề này.

Giá theo vùng mới công bằng?

Quyết định 11 đã thúc đẩy điện mặt trời (ĐMT) phát triển tốt nhưng dự thảo quyết định mới thì đang bị phản ứng, bởi nhiều điểm được cho là không ưu tiên ĐMT khi quy định vùng có tiềm năng, bức xạ nhiệt lớn thông qua giá mua thấp so với các vùng khác?

Qua gần 2 năm triển khai Quyết định 11 (có hiệu lực đến cuối tháng 6.2019), cơ chế hỗ trợ giá cố định (FIT) đã tạo động lực tốt, thúc đẩy hiệu quả thị trường ĐMT, thậm chí có thể nói là bùng nổ. Việc bùng nổ số lượng dự án ĐMT có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng nói là giá thiết bị giảm mạnh trong 2 năm vừa qua, dẫn đến hiệu quả tài chính dự án tăng cao hơn, các nhà đầu tư vào nhiều.

Nhà nước giao cho EVN trách nhiệm vận hành và điều độ hệ thống điện sao cho an toàn, hiệu quả. Nếu có bất ổn, ví dụ mất nắng, chúng ta sẽ mất toàn bộ hoặc một phần công suất của nhà máy ĐMT đang phát, thì trung tâm điều độ phải có phương án, nếu không lưới điện sẽ bị mất ổn định và tan rã ngay. Khi đó, điều độ hệ thống điện phải ưu tiên tính an toàn hệ thống lên hàng đầu.
Ông Phương Hoàng Kim

Tuy nhiên, cũng có những hạn chế như chính sách khuyến khích theo một giá FIT áp dụng trên toàn quốc, chưa phản ánh sự khác nhau về cường độ bức xạ của các khu vực, dẫn đến sự tập trung khá nhiều dự án tại một số tỉnh có cường độ bức xạ tốt, gây áp lực lên lưới điện truyền tải, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống. Trong khi các khu vực khác có cường độ bức xạ thấp hơn, còn dư công suất truyền tải thì không có dự án nào vào.

Do đó, quyết định thay thế Quyết định 11 phải đảm bảo vừa thu hút nhà đầu tư, vừa phải đảm bảo khả năng giải tỏa công suất, vừa đảm bảo ổn định hệ thống cũng như khắc phục các vấn đề chưa phù hợp vừa qua. Đó là những lý do dẫn đến các đề xuất thay đổi chính trong dự thảo.

Tư vấn (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức - GIZ và Viện Năng lượng) khẳng định chính sách giá thấp với vùng bức xạ cao là đúng và công bằng. Logic là nơi có bức xạ cao thì giá phải để thấp hơn vùng bức xạ thấp, đây là điều thế giới vẫn làm. Ví dụ, Dubai, nơi có bức xạ lớn thì giá đấu thầu chỉ khoảng 3,7 cent/kWh, có khi 3,2 cent (với các điều kiện đất đai, hạ tầng đấu nối và các hạ tầng cơ sở khác đã có sẵn sàng). Điều này cũng là để phát triển cân bằng, tránh chuyện phát triển nóng thời gian qua tập trung cục bộ một số tỉnh có bức xạ cao, trong khi hạ tầng ở đó chưa đáp ứng kịp.

Đảm bảo nhà đầu tư có lãi

Tức là ông khẳng định với chính sách này vẫn thu hút được các nhà đầu tư?

Hiện tại, các tỉnh vẫn tiếp tục gửi đăng ký bổ sung quy hoạch các dự án mặc dù mốc cuối tháng 6.2019 đã đến và dự thảo giá ĐMT thay thế đã được công bố. Đó là tín hiệu tốt, cho thấy nhà đầu tư vẫn thấy có hiệu quả. Với điều kiện suất đầu tư giảm như hiện nay và với giá hiện tại đang áp dụng thì nhà đầu tư có lãi nhiều hơn, giá mới thì lợi nhuận sẽ ít đi.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của thị trường. Khi thị trường ở giai đoạn ban đầu, chưa có nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, chưa có nhiều nhà tư vấn, cung cấp thiết bị, dịch vụ thì cần khuyến khích hơn, khi thị trường phát triển ở mức cao hơn rồi thì mức khuyến khích cần giảm phù hợp.

Chưa hết, dự thảo quy định giá mua điện của dự án vùng 4 (bức xạ cao là 6,67 cent/kWh, rẻ hơn cả giá điện than (khoảng 0,3 cent) vậy làm sao để ĐMT phát triển?

Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời sẽ được 'giải cứu' EVN chỉ tiếp nhận được 50% công suất điện mặt trời Tiềm năng lớn nhưng mới có 1.800 dự án điện trên mái nhà được nối lưới

Việc so sánh không cùng mặt bằng sẽ đưa ra những kết luận không chính xác. Nhiệt điện than 1 năm tối đa phát 6.000 giờ, còn ĐMT khoảng 1.500 giờ. Thứ hai là phát triển ĐMT nhưng vẫn cần nguồn khác. Điều độ phải tính các yếu tố này.

Ví dụ như nhiều nguồn thủy điện cũng có giá thấp hơn nhiệt điện than, nhưng không ai nói thủy điện không thể phát triển. Bài toán tính toán giá phát điện của mỗi loại nguồn phát theo từng khu vực đã đưa ra nhiều yếu tố đầu vào, đảm bảo các nhà đầu tư có lợi nhuận hợp lý, tránh áp lực lớn về đầu tư phát triển nguồn dự phòng và phát triển lưới điện truyền tải để giải phóng công suất các nguồn ĐMT, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và xã hội.

Chí Hiếu