|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Tổng Giám đốc EVN: 'Bản thân chúng tôi không muốn tăng giá điện...'

14:35 | 21/03/2019
Chia sẻ
Tại buổi tọa đàm về tác động tăng giá điện, Phó Tổng giám đốc EVN ông Đinh Quang Tri cho biết: "Bản thân chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện vì về nhà chúng tôi cũng phải trả tiền điện. Do đó, trong thời gian tới, EVN cố gắng điều hành hệ thống điện tối ưu, giảm sức ép ngành điện".

Tăng giá điện để giảm sức ép ngành điện

Tại Tọa đàm trực tuyến: Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN), cho biết thời gian vừa qua các yếu tố đầu vào để sản xuất điện đều tăng và đây là một trong những nguyên nhân chính phải điều chỉnh giá điện bán lẻ trong năm 2019. 

Phó Tổng Giám đốc EVN: Bản thân chúng tôi không muốn tăng giá điện... - Ảnh 1.

Tọa đàm trực tuyến: Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía. Ảnh: Đức Quỳnh

Ngay từ cuối năm 2018, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Than Khoáng sản Đông Bắc đã có kế hoạch điều chỉnh giá than do điều kiện sản xuất khó khăn, giá thành sản xuất than cũng tăng lên. 

Tuy nhiên, do giá điện không điều chỉnh được nên EVN đã kiến nghị lên Thủ tướng tạm hoãn kế hoạch tăng giá than. Vừa qua, đầu tháng 1, TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc đã điều chỉnh tăng giá than khoảng 5% so với năm 2018. 

Từ 20/3, sau khi có quyết định tăng giá điện của Bộ Công Thương, hai tập đoàn này tiếp tục tăng giá thêm khoảng hơn 3% nữa làm cho chi phí mà EVN phải trả cho tiền than tăng thêm khoảng 5.000 tỉ đồng. 

Ngoài ra, nguồn than trong nước không đủ cung ứng cho hoạt động sản xuất điện nên TKV cùng Tổng Công ty Than Đông Bắc và EVN phải nhập khẩu thêm khoảng 8 triệu tấn để trộn với than trong nước. 

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu than nước ngoài hiện nay cao hơn so với than trong nước nên chi phí từ than nước ngoài tăng thêm 2.000 tỉ đồng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh điện.

Trước đó, tại cuộc họp báo công bố giá điện diễn ra chiều ngày 20/3, ông Tri cho biết với việc giá điện tăng 8,36%, EVN sẽ thu về thêm khoảng 20.000 tỉ đồng. 

Toàn bộ số tiền này chi trả cho chi phí đầu vào tăng thêm như than (7.000 tỉ đồng), chênh lệch tỉ giá khí trong bao tiêu (6.000 tỉ), chênh lệch tỉ giá (khoảng 3.825 tỉ đồng). Ngoài ra còn khoản thanh toán bổ sung chi phí mua dầu, chênh lệch mua điện tăng lên…Tổng chi phí là 21.000 tỉ đồng. 

Với việc tăng chi phí sản xuất như vậy, ông Tri cho rằng: "EVN gần như là người trung gian đi thu và trả cho các đối tác cung cấp than, khí... EVN không thể cáng đáng được nên buộc phải đưa vào giá điện".

Tại buổi tọa đàm hôm nay, ông Tri cũng trần tình dưới góc độ là người tiêu dùng ông cũng không muốn tăng giá điện: "Bản thân chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện vì về nhà chúng tôi cũng phải trả tiền điện. Nhưng đây là điều chúng tôi bắt buộc phải làm. Do đó, trong thời gian tới, EVN cố gắng điều hành hệ thống điện tối ưu giảm sức ép tăng giá điện".

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định rằng cũng đã đến lúc phải ăng giá điện mặc dù tâm lí người tiêu dùng không ai muốn tăng giá điện, xăng dầu. Theo ông Lực, việc tăng giá điện năm nay cũng là một trong những bước tiến dẫn đến bán điện theo giá thị trường. Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng việc tăng giá mặt hàng khác trong năm nay cần thận trọng để tránh tình trạng "dồn giá".

Về góc độ là một doanh nghiệp nghiệp lớn, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết với những thông tin trên báo chí thời gian gần đây, quyết định tăng giá điện của Bộ Công Thương không khiến doanh nghiệp quá bất ngờ. 

Ông Long cho rằng doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa công nghệ mới tiêu thụ ít điện năng hơn trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền để người dân tiết kiệm điện. 

Giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn bình quân Đông Nam Á

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)  giá điện Việt Nam trước khi điều chỉnh so với 8 nước Đông Nam Á (đã công bố giá điện) bằng 58% giá điện bình quân và thấp hơn hầu hết các nước khu vực, thậm chí Lào và Campuchia. 

Ngay cả sau khi điều chỉnh, giá điện bình quân Việt Nam thấp hơn 66% so với bình quân 8 nước Đông Nam Á.

Giá điện của Việt Nam sau khi điều chỉnh cũng chỉ bằng 91% giá điện bình quân của 10 nước có GDP tương đương Việt Nam.

Giá điện tăng, doanh nghiệp xi măng và thép ‘lo sốt vó’Giá điện tăng, doanh nghiệp xi măng và thép ‘lo sốt vó’ EVN thu hơn 20.000 tỷ đồng từ tăng giá điện 8,36%EVN thu hơn 20.000 tỷ đồng từ tăng giá điện 8,36% Viện trưởng CIEM: Phải minh bạch hơn về cơ cấu giá điệnViện trưởng CIEM: Phải minh bạch hơn về cơ cấu giá điện


Đức Quỳnh