Viện trưởng CIEM: Phải minh bạch hơn về cơ cấu giá điện
Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân sẽ chính thức tăng 8,36% từ ngày hôm nay (20/3). Như vậy, so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), giá bán lẻ điện bình quân 2019 tương ứng khoảng 1.864,44 đồng/kWh.
Vì sao giá điện ở Việt Nam lại chỉ có tăng mà chưa có giảm? VOV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Bộ Công thương chính thức công bố điều chỉnh giá điện tăng lên 8,36% từ hôm nay (20/3), ông nhìn nhận như thế nào về thời điểm tăng giá cũng như động thái của Bộ Công Thương?
TS Nguyễn Đình Cung: Trước tiên phải nói rằng, việc điều chỉnh giá điện tăng lên đã được chuẩn bị và thảo luận khoảng một năm nay. Lần điều chỉnh giá điện này đã có một thay đổi tiến bộ hơn trước, đó là làm công tác truyền thông giải thích về việc phải tăng giá điện, cũng đồng thời nhằm để cho các bên - đặc biệt là các doanh nghiệp có sự chuẩn bị để điều chỉnh kế hoạch sản xuất của mình, không bị đột ngột, và xã hội cũng không bị đột ngột trước sự thay đổi đó.
Do kìm hãm tương đối lâu về giá điện cho nên tại thời điểm này việc điều chỉnh giá điện tôi cho rằng là việc cần phải làm. Việc cần phải làm này không phải là vì EVN. Việc điều chỉnh giá điện không phải vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mà trước hết là vì sự phát triển của ngành điện.
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ảnh: VGP)
TS Nguyễn Đình Cung: Chúng ta đã giữ giá thấp và các nhà đầu tư không có lợi nhuận để đầu tư thì sẽ không thu hút được đầu tư vào sản xuất điện. Bởi vì tới đây EVN không còn là nơi chủ yếu sản xuất điện nữa. EVN sẽ chủ yếu tập trung vào việc truyền tải và phân phối điện. Hoạt động sản xuất điện dần dần sẽ chuyển sang cho các thành phần khác, hoặc các doanh nghiệp khác, nên phải huy động nguồn lực đầu tư. Và để có được nguồn lực đầu tư đó thì một trong những điều kiện cần phải có đó là giá điện phải hợp lý, đủ mức để có lợi nhuận thì mới thu hút được đầu tư.
Thứ hai, việc điều chỉnh giá để khuyến khích việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, đấy cũng là điều rất quan trọng. Cả hai vấn đề này, theo tôi, chúng ta cần phải cân bằng. Việc điều chỉnh này không phải là vì EVN, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không tạo áp lực buộc EVN phải kinh doanh một cách có hiệu quả, mà cần làm cho họ phải minh bạch các loại chi phí, minh bạch cách thức kinh doanh, quy trình kinh doanh để cho chúng ta và người tiêu dùng có thể giám sát được cơ chế họ mua điện như thế nào, cách thức phân phối ra sao… Đây là những câu hỏi mà có lẽ xã hội, người tiêu dùng mong muốn có những câu trả lời.
PV: Thưa ông, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến việc vì sao giá điện ở Việt Nam chỉ có tăng mà chưa có giảm. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
TS Nguyễn Đình Cung: Thực ra nếu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá điện phải có tăng, có giảm. Và đặc biệt là trong ngày, nếu như tại một thời điểm nào đó mà cung vượt cầu thì người ta cần khuyến khích và phải giảm giá điện trong khoảng thời gian đó. Nhưng, có lẽ ở Việt Nam hệ thống điện hiện nay về mặt kỹ thuật chưa làm được điều này.
Còn về mặt dài hạn, giá liên tục tăng là bởi vì quản lý giá điện của chúng ta hiện nay Nhà nước quản lý cứ “đè” nó xuống hơn là thả. Mà cứ “đè” như thế này thì luôn luôn là giảm. Ví dụ như chúng ta điều chỉnh bao nhiêu % hiện nay thì cũng chưa đến mức đủ hấp dẫn cho người sản xuất, nhưng lại phải để người tiêu dùng chịu đựng được, cho nên chúng ta lại điều chỉnh ở một cái mức mà vẫn có sự thỏa hiệp nào đấy. Và luôn luôn cảm giác là nó ở mức thấp. Và có thể nhiều tháng sau hoặc cả một năm sau mới lại được điều chỉnh. Thì rõ ràng nó luôn luôn có xu hướng tăng lên chứ không có xu hướng hạ xuống. Chỗ này thực sự là chưa thị trường.
PV: Ông vừa nói về giá thị trường. Chúng ta đã có các Quyết định về việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường. Tuy nhiên trong mức độ điều chỉnh giá điện theo giá thị trường mà theo phạm vi của EVN hay như hiện tại là 8,36% thuộc phạm vi của Bộ Công Thương được quyền quyết định nhưng vẫn phải xin kiến Chính phủ. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
TS Nguyễn Đình Cung: Chúng ta đang quản lý giá, giá được Nhà nước điều chỉnh. Và nói điều chỉnh theo giá thị trường thì giá thị trường ở đây là thị trường ở đâu? Thì rõ ràng mình chưa có một căn cứ để nói là giá này là giá thị trường.
Chúng ta đang điều chỉnh dựa trên những giá mà chúng ta tính toán phù hợp với người sản xuất, cũng là tương đối hợp lý đối với người tiêu dùng. Giá điện đang là cân bằng lợi ích, chứ rõ ràng là chúng ta chưa có giá thị trường. Theo tôi nên phải thay đổi lại, để cho Bộ Công Thương hoặc là EVN có một cơ chế linh hoạt hơn trong điều chỉnh giá. Chính phủ chỉ nên đứng từ đằng xa để theo dõi. Đồng thời với đó, phải minh bạch hơn về cơ cấu giá, về mức giá và mục tiêu mà mình muốn đạt được để cho các bên có liên quan giám sát. Chỉ khi nào có giám sát và giám sát hiệu quả thì lúc đó mới có áp lực cũng như công cụ cụ đánh giá khách quan.
PV: Vừa rồi ông nói đến tiết kiệm năng lượng và nếu như nhìn vào chỉ tiêu tăng GDP Quốc hội đặt ra là 6,6-6,8%, và nhìn vào mức tăng trưởng điện khoảng 10-11% có nghĩa là để làm ra một đơn vị GDP ở Việt Nam phải cần tới 1,6 đơn vị điện. Ông nhìn nhận như thế nào về tỷ lệ này?
TS Nguyễn Đình Cung: Về góc độ của việc tiêu dùng điện ở Việt Nam, đặc biệt trong khối sản xuất, thì thực ra tỉ lệ này ở Việt Nam đang cao hơn ở các nước. Tuy nhiên đó là vấn đề của cả nền sản xuất hiện nay, công nghệ, kỹ thuật sản xuất đang chưa tối ưu hoá được việc sử dụng điện năng. Chúng ta không thể thay thế ngày một ngày hai được. Có thể nói giá phải đủ mức cao nếu như mong muốn thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất. Nhưng cũng không thể nào cao quá thì lại dẫn tới chi phí cao không thể thay đổi kịp.
Rõ ràng đây là cả một nghệ thuật chính sách. Chính sách ở đây lúc này là nghệ thuật chứ không chỉ là khoa học trong chính sách. Chỉ có những người trong cuộc rất hiểu biết mới cảm nhận được là nó ở mức nào là mức có thể phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ - và đồng thời với đó là - vẫn duy trì được sản xuất, chuyển đổi được công nghệ, tăng hiệu quả sử dụng điện.
PV: Thưa ông, vừa rồi Bộ Công thương cũng đưa số liệu so sánh giá điện của Việt Nam thấp nhất trong 25 nước được điều tra?
TS Nguyễn Đình Cung: Nếu mà nói về vấn đề này thì nhiều người sẽ phản bác ngay. Vì thu nhập của mình thấp… Tất cả mọi thứ này đưa ra khi so sánh đều khập khiễng. Và tôi cho rằng lấy cái đó để lập luận điều chỉnh là không thuyết phục.
PV: Thưa ông, vậy lý do gì để điều chỉnh giá điện?
TS Nguyễn Đình Cung: Như tôi đã nói, đó là huy động sản xuất, huy động nguồn lực sản xuất, huy động vốn sản xuất, tăng tiết kiệm, sử dụng tiết kiệm và tăng tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện.
Còn các so sánh quốc tế, đặc biệt là khi so sánh quốc tế về giá cả thì sẽ chỉ là để tham khảo chứ không nên coi đó như là một lập luận để điều chỉnh. Người ta sẽ phản bác, vì thu nhập của các nước cao hơn mình rất nhiều. Đấy là điều không nên.
PV: Thưa ông, cũng có những lo ngại về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khi điều chỉnh giá điện…?
TS Nguyễn Đình Cung: Chính phủ đã tính toán hết rồi. Nó vẫn nằm trong kịch bản và mục tiêu quản lý, đó là nằm trong giới hạn 4% của mức lạm phát và đã được tính toán đầy đủ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!