|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2020

07:07 | 07/11/2019
Chia sẻ
Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019- 2020 và kéo dài tới 2022-2023.

Đối với "đường lưỡi bò" xuất hiện ở một số sản phẩm, trong đó có ô tô, ông Tuấn Anh cho biết: Đã yêu cầu thu hồi toàn bộ, đồng thời, tước giấy phép nhập khẩu và kinh doanh của doanh nghiệp cho đến khi nào khắc phục xong.

Thiếu điện, nhập than với khối lượng lớn

Bày tỏ lo lắng về việc phát triển nguồn điện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ cho biết giải pháp để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019- 2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam bộ là rất lớn.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương là do điều kiện bất lợi thời tiết, hầu như các thủy điện đang không có đủ điều kiện để tích nước. Cùng với đó còn sự suy giảm của thị trường năng lượng sơ cấp khi phải nhập khẩu khối lượng than rất lớn. Dự kiến đến năm 2025 nhập tới 35 triệu tấn. Không những thế, nguồn khí cung cấp không đủ để phục vụ cho phát điện và miền Đông Nam bộ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành phải quyết liệt để có phương án để đảm bảo cân đối điện cho phát triển kinh tế, xã hội, cũng như đời sống của người dân. Theo đó, sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát, kể cả từ than, dầu, khí cũng như các nguồn điện khác có liên quan. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế mới về giá điện cũng như phát triển điện tái tạo để đảm bảo có sự bổ sung khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Trong trường hợp thiếu trầm trọng sẽ phải cấp phép để huy động 8.000 MW điện mặt trời và 3.000 MW điện gió.

Đặc biệt, Bộ trưởng Công Thương cho biết, đang tiếp tục có kế hoạch cụ thể để giao trách nhiệm cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia đàm phán và sớm có kế hoạch mua khí từ Malaysia và Thái Lan để đảm bảo cung ứng điện cho các nhà máy ở miền Tây và Đông Nam. Bộ cũng tính toán phương án chuyển đổi cơ cấu phát điện của một số nhà máy điện, như Điện Hiệp Phước chuyển từ chạy dầu sang dùng khí LNG nhập khẩu, thì sẽ có thêm công suất 400 MW.

Về lâu dài, ông Trần Tuấn Anh cho biết sẽ tính tới phát triển các trung tâm điện lực khí lớn như Long Sơn, Cà Ná và Bạc Liêu. Bộ sẽ đề xuất Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VIII 8 trung tâm điện khí lớn vì Việt Nam hiện không còn khả năng phát triển điện than.

Vụ việc “đường lưỡi bò”: có lỗ hổng

Nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2020 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Liên quan đến việc hàng hóa ở Việt Nam như quả địa cầu, sản phẩm điện tử, ô tô gắn định vị có cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương và giải pháp để không tái diễn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, đã tổ chức kiểm tra, rà soát. Trước mắt, Bộ Công Thương thống nhất với Tổng cục Hải quan đối với ôtô phục vụ triển lãm, tổ chức tịch thu, sung công, vì vi phạm đến chủ quyền an ninh quốc gia. Với một doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động nhập khẩu ôtô, cũng xuất hiện “đường lưỡi bò”, Bộ Công Thương đã yêu cầu thu hồi toàn bộ. Đồng thời, tước giấy phép nhập khẩu và kinh doanh ở Việt Nam cho đến khi nào khắc phục xong.

Ông Tuấn Anh cho rằng, có lỗ hổng pháp lý, mà các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông... cần rà soát, để không xảy ra sự việc tương tự.

Về tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng hàng hóa gắn mác Việc Nam chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đi các nước khác mà đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang có cơ hội hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Song cũng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng Việt Nam để tranh thủ ưu đãi về thuế quan, mới nhất là lô nhôm trị giá 4,3 tỷ USD giả hàng Việt chờ đi Mỹ. Bên cạnh đó là hàng loạt sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính, các sản phẩm của dệt may da giày và đặc biệt là gỗ dán và các sản phẩm gỗ.

Vì thế, Chính phủ chủ động xây dựng các đề án lớn về phòng vệ thương mại chống gian lận xuất xứ. Bộ Công Thương đã có cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn và khuyến nghị để kiểm soát hoạt động đầu tư, tránh chuyển tải bất hợp pháp.

Văn Kiên - Trường Phong

Bitcoin tăng dựng đứng, liệu nhà đầu tư có gặp ‘cái kết tồi tệ’ như lời cảnh báo của Warren Buffett?
Giá bitcoin đang tiệm cận mốc 90.000 USD, còn Warren Buffett nói ông sẽ không mua lại toàn bộ bitcoin trên thế giới dù chỉ cần trả 25 USD.