Sẽ áp dụng biểu giá điện mới vào đầu năm 2021
Tại buổi Họp báo thường kì tháng 7/2020 vào ngày 3/8, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đã có nghiên cứu và đưa ra 5 giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lượng tiêu thụ điện tăng vọt.
Một trong những giải pháp nêu trên đó là lấy ý kiến của các cơ quan đơn vị nhằm xây dựng lại biểu giá điện. Để làm điều này, phía Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các cơ quan đơn vị, gồm Quốc hội, các bộ ngành, tổ chức và tất cả các đoàn đại biểu của Quốc hội địa phương, hiệp hội ngành hàng.
Thông qua việc tiếp thu ý kiến để làm cơ sở biểu giá tiền điện, Bộ đã triển khai bổ sung phương án để khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có thể lựa chọn giá điện bậc thang hoặc chuyển sang áp dụng giá điện một bậc, nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho các khách hàng sử dụng điện.
Ông Hải cũng tiết lộ, "Sau tháng 8, Bộ sẽ trình văn bản tới Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để chính thức áp dụng biểu giá điện kể từ đầu năm 2021". Phía Bộ Công Thương cũng bày tỏ sự quan tâm tới những kiến nghị, bức xúc của người dân trong những tháng có hóa đơn tăng cao, đặc biệt là khách hàng có mức tăng tiền điện đột biến.
Ngoài giải pháp trên, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổng công ty điện lực thuộc EVN nâng cao dịch vụ khách hàng, trước hết là kiểm chứng những thắc mắc của người dân tiêu thụ điện nêu trên các báo chí, cũng như đã phản ánh với Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN thực hiện xử lí nghiêm các cán bộ liên quan mắc lỗi kĩ thuật trong quá trình ghi chép hóa đơn tiền điện, cũng như các lỗi nghiệp vụ khác.
Hiện EVN cũng đang rà soát kiểm tra xử lí các cán bộ có sai phạm, đồng thời Bộ cũng yêu cầu EVN gửi thông báo hóa đơn tiền điện qua email, Zalo, các phần mềm điện tử...
Việc triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử cũng đang tiến hành thực hiện. Theo đó, các TP lớn như Hà Nội, TP HCM và địa bàn miền trung do cơ quan điện lực quản lí sẽ tiến hành thay thế 100% công tơ điện tử. Còn đối với các vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi sẽ tiến hành ở mức 50%.
Về việc đảm bảo cung ứng điện cho nhu sản xuất và sinh hoạt của người dân, ông Hải cho rằng điều này thực sự gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong lúc nền kinh tế và ngành điện chịu nhiều sức ép, sức tiêu thụ điện không thuyên giảm, mỗi năm tăng 9 - 10% sản lượng điện yêu cầu.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, phải có đủ điện cho sản xuất tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện tốt việc cung ứng điện cho nhu sản xuất và sinh hoạt.
Giải pháp cuối cùng để giảm lượng tiêu thụ điện đó là tuyên truyền cho người dân hiểu các qui định, kiến nghị tới EVN, phục vụ quyền lợi chính đáng của người dân.
Dữ liệu của EVN cho thấy, do đợt nắng nóng kéo dài kỉ lục trong 27 năm qua, tháng 6/2020 điện năng sinh hoạt khu vực miền Bắc đã tăng mạnh là gần 15,5% so với cùng kì và tăng 37,13% so với tháng 5/2020; miền Trung tăng 5,85%; miền Nam tăng 11,87% so với tháng 6/2019.
Tính đến ngày 25/6 đã có trên 7,63 triệu khách hàng sinh hoạt có điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên, và mặc dù chưa hết tháng nhưng các tổng công ty điện lực đã phúc tra được 6,56 triệu khách hàng.
Phía EVN cho biết: "Việc sai sót trong thời gian qua tại một số đơn vị được báo chí nêu là các trường hợp cá biệt và nguyên nhân do lỗi tác nghiệp xảy ra đồng thời tại một số khâu trong hoạt động ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện.
Các đơn vị đã kỉ luật nghiêm các cán bộ liên quan, EVN cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp kiểm soát để hạn chế việc xuất hiện các lỗi tương tự trong tương lai".