Thách thức với doanh nghiệp sữa Việt
Thủ tướng tiếp các doanh nghiệp sữa New Zealand | |
Doanh nghiệp sữa tự kê khai giá liệu có gian lận, trục lợi? |
Quý I/2018, thị trường sữa Việt Nam khá “yên bình” khi giá bán tương đối ổn định. DN thu mua sữa từ người chăn nuôi quanh mức 11-12 nghìn đồng/lít. Sản lượng sữa tươi và sữa bột quý I/2018 đạt lần lượt 340,2 triệu lít và 36,7 nghìn tấn, tương ứng giảm 0,4% và tăng 26,9% so với quý I/2017… Mặc dù vậy, ẩn sau sự phẳng lặng đó của thị trường, sóng ngầm dường như đang chuẩn bị nổi lên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Bởi lẽ, từ đầu năm nay đã có thêm hàng nghìn dòng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh kinh tế Á-Âu, ASEAN được điều chỉnh về 0%; qua đó đẩy kim ngạch nhập khẩu sữa tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong tương lai, khi CPTPP được thực thi, cùng với lộ trình giảm thuế, thì thị trường sữa Việt được nhận định sẽ tiếp tục vào vòng xoáy cạnh tranh mới.
“Sóng ngầm” đang tiềm ẩn trên thị trường sữa Việt |
Sữa nước đi về đâu?
Quý đầu năm nay, tương quan đáng chú ý là sản lượng sữa nước của DN Việt sụt giảm, trong khi sữa nhập khẩu tăng, như nêu trên. Tuy nhiên trên thực tế, đây lại là “địa hạt” các DN sữa Việt trong nhiều năm nay. Sữa tươi Vinamilk, sữa tiệt trùng TH true Milk; sữa thanh trùng Ba Vì… vốn là các thương hiệu nội địa được người dân ưa chuộng, luôn có “độ nhạy tiêu dùng” cao, chiếm vị trí đắc địa trên các quầy kệ từ trung tâm thương mại đến cửa hàng tạp hóa, “qua mặt” sữa ngoại.
Đơn cử năm 2017, các DN sữa Việt Nam sản xuất được trên 1.333,4 triệu lít sữa nước, tăng 6,6% so với năm 2016. Trong khi đó, sữa nước nhập khẩu cả năm ngoái chỉ đạt khoảng 30,6 triệu USD với khối lượng 32,2 triệu lít. So với sản lượng sữa nước sản xuất trong nước thì lượng nhập khẩu chỉ bằng 2,4%. Kết năm 2017, doanh thu ngành sữa Việt Nam đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2016.
Bức tranh về thị trường sữa và vị thế DN Việt nêu trên, đặt trong các lợi thế về hệ thống kênh phân phối rộng, khoảng cách gần hơn đến nguồn cầu tiêu dùng… cho cảm giác các DN Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh từ thị trường sữa Việt Nam, như dân số đông, tốc độ tăng dân số tiếp tục duy trì khoảng 1,2%/năm. Tuy nhiên, có những rủi ro đáng kể với DN sữa Việt, liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) phát hành đầu năm nay nhìn nhận: Với sữa nước, dù Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng cũng có lắm bất lợi. Trong con số sản lượng sữa trên 1,3 tỷ lít sản xuất năm 2017, chỉ có khoảng 30% là sữa tươi thực sự.
“Thị trường sữa tươi từ năm 2010 đến nay, sản lượng sữa tươi vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong sản lượng sữa tiêu thụ. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi mà sữa trên thị trường Việt Nam - thứ mà trước giờ chúng ta luôn nghĩ, luôn gọi là sữa tươi - thì có tới 65-70% là sản phẩm sữa hoàn nguyên”, báo cáo của BCSI cho biết.
Có một thực tế rằng, hiện nay có nhiều người tiêu dùng dù đã mua sữa, sử dụng sữa rất nhiều năm nhưng vẫn không phân biệt giữa sữa tươi 100%, sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên. Trong khi đó theo BCSI, điều quan trọng nhất để tạo ra một thị trường sữa minh bạch thì sữa hoàn nguyên phải ghi là sữa hoàn nguyên, sữa tươi thì phải ghi rõ nguồn nguyên liệu để người mua dễ dàng chọn lựa…
Cho nên, khi mà sự minh bạch như thế chưa được thực thi tích cực, tạo ra những thay đổi căn bản thì đây chính là điểm yếu của thị trường sữa Việt, đang đặt ra thách thức rất lớn khi hội nhập. Với thương hiệu lâu năm và nguồn lực mạnh, nếu được hỗ trợ bởi thuế suất thuế nhập khẩu giảm, sữa ngoại nhập khẩu có thể được chia sẻ cơ hội nhiều hơn để mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Thách thức với sữa bột
Khác với sữa nước, với sữa bột người tiêu dùng Việt ưa chuộng sử dụng các dòng sản phẩm ngoại nhập hơn. Với những ưu thế cả về thương hiệu lẫn nguồn lực, lâu nay thị trường sữa bột do các hãng ngoại độc chiếm thị phần và các DN nội địa phải chịu lép vế ngay trên sân nhà.
Từ năm 2010-2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,4 tỷ USD mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm khoảng 817 triệu USD. Riêng về sữa bột, năm 2017 Việt Nam nhập khẩu 523,7 triệu USD, chiếm hơn nửa (61%) tổng kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa cả nước. Về số lượng, nước ta nhập khẩu khoảng 223,2 nghìn tấn sữa bột cả năm ngoái, gấp khoảng 1,73 lần lượng sữa bột sản xuất trong nước.
Tình trạng “lép vế” nói trên có thể còn trầm trọng hơn khi CPTPP được thực thi chính thức bởi hiện nay Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa chủ yếu từ các thị trường New Zealand, Singapore, Mỹ, Đức, Thái Lan… Nhưng đáng chú ý là trong số 10 nước đối tác tham gia ký kết hiệp định CPTPP ngày 9/3/2018 vừa qua thì có tới 5 nước (New Zealand, Singapore, Malaysia, Australia và Nhật Bản) xuất khẩu sữa sang Việt Nam với thị phần lớn.
BCSI cảnh báo, trong các năm tới, do thuế giảm, khả năng lớn là kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam sẽ có sự gia tăng mạnh. Người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ hơn, nhưng các DN sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các DN ngoại ngay trên sân nhà. Thậm chí, nếu không có những hành động cụ thể, hiệu quả thì rất có thể các DN sữa nội địa sẽ mất luôn cả thị phần vốn đã ít ỏi của mình.
Đề xuất một số giải pháp, BCSI cho rằng các vấn đề đáng quan tâm và phải nhanh chóng trở thành trọng tâm trong chiến lược cạnh tranh, trong chiến lược hành động sắp tới, đó là: cải thiện chất lượng nguyên liệu, giảm thiểu chi phí sản xuất, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao tiềm lực tài chính và uy tín thương hiệu cũng như sự kết nối trong ngành…
Theo đó, DN cũng như cơ quan nhà nước cần hỗ trợ về mặt tài chính lẫn kỹ thuật để giúp người nông dân nâng cao chất lượng con giống, cải thiện kỹ thuật chăn nuôi. Chính phủ cần đưa ra các quy định, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước, kết hợp với các DN tạo dựng các kênh thông tin tham khảo tin cậy cho người tiêu dùng…