Bỏ trần giá sữa, ai hưởng lợi?
Các "bà mẹ bỉm sữa" lại dấy lên nỗi lo khi nghe thông tin giá sữacho bé dưới 6 tuổi có khả năng tăng trong tháng 4. Dường như trong nhiều năm qua, nỗi lo này luôn thường trực.
Danone rút lui
Một trong những công ty sữa lớn nhất thế giới là Danone, nhà sản xuất sữa Dumex, đã quyết định rời khỏi thị trường Việt Nam vào năm ngoái. Đây chính là lý do mà các thành viên của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), đưa kiến nghị bỏ áp trần giá sữa cho bé dưới 6 tuổi vào giữa tháng vừa qua. Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến bỏ áp giá trần sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ tháng 4 tới. Phía chuyên gia đồng tình với quan điểm bỏ giá trần giúp cho thị trường có sự cạnh tranh.
Áp trần giá sữa được Bộ Công Thương quyết định dưới sự cố vấn của Bộ Tài chính. Trong NFG hiện có 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam. Lý do NFG đưa ra kiến nghị là vì từ khi biện pháp giá trần được áp dụng vào tháng 6.2014 bằng Quyết định 1079, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa đã tăng như tỉ giá, chi phí điện, chi phí nhân công... Những thay đổi này đã tác động đến hoạt động của các nhà sản xuất và phân phối sữa. Ông Arnaud Renard, Chủ tịch NFG EuroCham chia sẻ trong buổi công bố thông tin của Eurocham, việc áp đặt quy định giá trần không hợp lý trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sữa. Bằng chứng, là doanh thu và số lượng sữa bán ra sụt giảm thời gian qua, và có doanh nghiệp sữa đã phải đóng cửa và rút khỏi thị trường Việt Nam.
Tại Việt Nam, sữa luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các gia đình có trẻ nhỏ. Vì thế, nguồn chi phí cho sữa ngày càng nhiều, các bà mẹ có thể giảm bớt chi tiêu để mua sữa cho con. Lợi dụng tình hình này, nhiều ngành sữa đa quốc gia đã tìm mọi cách để nâng giá và cùng nhau bắt tay “làm giá” sữa. Câu chuyện giá sữa tăng cao không kiểm soát từng xảy ra cách đây vài năm và Nhà nước đã phải can thiệp. Khi giá sữa tiếp tục được thả nổi thì chắc chắn sẽ lại tiếp tục có sự "nhảy múa”.
Ngành sữa Việt còn nhiều dư địa phát triển, dự báo trong những năm tới ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 9% và đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020, tăng gần gấp rưỡi so với hiện tại. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành sữa phải cạnh tranh gay gắt để chiếm thị phần và giành thị trường trước nhiều đối thủ mới...
Nếu giá sữa được để cho các doanh nghiệp tự quyết định thì ai được lợi nhất? Theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, bỏ trần giá sữa bột dành cho cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ có tác động tốt đến Công ty Sữa Vinamilk trong dài hạn. Trong cơ cấu của Vinamilk, sữa bột và sữa nước chiếm 3/4 giá trị thị trường sữa với số lượng lớn và tăng trung bình 19,5%. Với sự khả quan của thị trường, năm nay lợi nhuận sau thuế của Công ty dự kiến tăng 8,3%.
Hai kịch bản
Các doanh nghiệp sữa ngoại có bắt tay làm giá hay không, khi lợi nhuận từ sữa bột rất lớn? Điều này, chắc chắn sẽ xảy ra vì nhiều doanh nghiệp sữa ngoại cho rằng doanh thu và lợi nhuận đã giảm nhiều trong suốt mấy năm Nhà nước áp trần giá sữa. Tuy nhiên, tăng giá chỉ là vấn đề thời gian và bằng cách nào mà thôi.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, muốn quản lý giá sữa khi bỏ trần, cơ quan quản lý phải xem xét từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến khi ra thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Trong các giấy tờ kê khai giá sữa, nếu thấy bất hợp lý, cơ quan quản lý có thể can thiệp giá ngay từ thời điểm này.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sữa vẫn có những cách để nâng giá sữa. Áp giá trần sữa năm 2014 đã khiến doanh thu Vinamilk giảm và bị ảnh hưởng rất lớn. Nguyên nhân là do chi phí nguyên liệu thời điểm đó ở mức cao. Trong năm ngoái và hiện tại chi phí nguyên liệu ngành sữa giảm chỉ còn khoảng một nửa so với trước đây, nên tác động từ việc áp trần giá sữa thời điểm hiện tại là rất nhỏ. Vì thế, những doanh nghiệp nội phải nhập khẩu nguyên liệu sữa như Vinamilk sẽ không được hưởng lợi ngay lập tức mà sẽ được hưởng trong dài hạn.
Theo đánh giá của HSC, nếu việc áp giá trần được loại bỏ, Vinamilk sẽ ảnh hưởng tích cực trong dài hạn. Vinamilk hiện có khoảng 27-30 đầu sản phẩm sữa bột trẻ em. Việc dỡ bỏ giá trần sẽ giúp Công ty tăng giá bán nếu chứng minh được giá vốn tăng. Điều này chỉ áp dụng nếu giá sữa nguyên liệu mạnh trở lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá sữa Vinamilk đang có lợi so với khối ngoại. Cũng là mặt hàng sữa cùng loại, giá của Vinamilk rẻ hơn khoảng 10-20%. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng đã bớt khắt khe trong vấn đề chọn lựa sữa.
Vì thế, Vinamilk có thể có lợi thế hơn khi người tiêu dùng ngày càng lựa chọn sữa nội, nhất là khi Vinamilk tham gia chương trình bình ổn giá sữa. Sữa bột mặc dù đang cho thấy sự chiếm lĩnh của doanh nghiệp ngoại với 70% nhưng các doanh nghiệp ngoại cũng đang dần lấn thị phần ở lĩnh vực sữa bột. Với chính sách giá cộng thêm việc tham gia bình ổn giá sữa, Vinamilk hoàn toàn có thể thắng và tận dụng được cơ hội từ chính sách bỏ trần giá sữa lần này.