|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CFO Hòa Phát: 30% sản lượng Dung Quất 2 dành cho xuất khẩu

19:08 | 21/11/2024
Chia sẻ
Lãnh đạo Hòa Phát nói tập đoàn cũng đang ưu tiên phát triển cả hệ sinh thái nên nhu cầu thép HRC dùng trong nội bộ rất cao, chiếm 50-60% sản lượng sản xuất.

Chia sẻ trong webinar “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát", Giám đốc Tài chính Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), bà Phạm Thị Kim Oanh tiết lộ dự án trọng điểm Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 sẽ cho ra một phần nhỏ sản phẩm thương mại từ cuối 2024 và bắt đầu đóng góp đáng kể từ 2025. 

Siêu dự án này có công suất thiết kế là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. 

"Mất 4 năm mới có thể đạt công suất 5,6 triệu tấn, do đó sản lượng tiêu thụ sẽ tăng dần dần theo thị trường, nằm trong áp lực bán hàng", bà Oanh giải đáp các lo ngại về khả năng tiêu thụ, đồng thời cho biết trong giai đoạn đầu ưu tiên tiêu thụ nội bộ. 

 Áp lực tiêu thụ cho Dung Quất 2 sẽ tăng dần theo công suất và thị trường. Ảnh: HPG.  

CFO Hòa Phát dẫn chứng với dự án Dung Quất 1, toàn bộ sản lượng tạo ra trong năm 2022 chỉ sử dụng nội bộkhông xuất bán ra thị trường, đến năm 2023 mới xuất bán 1,2 triệu tấn HRC. 

Theo dự phóng, lò cao số 1 của Dung Quất 2 dự kiến hoạt động 50-60% công suất trong năm đầu tiên 2025 (tức chỉ khoảng 1,5 triệu tấn HRC), năm 2026 đạt tỷ lệ 80% và dự kiến hoạt động hết công suất trong giai đoạn 2027-2028.

"Xuất khẩu chiếm tỷ trọng 30% doanh thu Hòa Phát, nên khi Dung Quất 2 đạt full công suất thì vẫn duy trì xuất khẩu 30%", theo bà Oanh.   

Sản lượng còn lại sẽ được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong đó, bản thân nội bộ Hòa Phát cũng sẽ phát triển hệ sinh thái bao gồm tăng năng lực các nhà máy ống tôn, thép container, điện máy... nên nhu cầu thép HRC dùng cho nội bộ sẽ chiếm 50-60%, phần còn lại bán cho đối tác khác. 

Bà khẳng định Dung Quất 2 sẽ là bước đệm tăng trưởng mạnh mẽ, là cơ hội mở rộng các mặt hàng chất lượng cao, tiến tới áp dụng tất cả công nghệ khó nhất trong ngành thép, tạo cơ sở "sức khỏe tốt" để thực hiện các dự án lớn trong tương lai.

Vị CFO nói với tiềm lực tài chính hiện tại, Hòa Phát cảm thấy yên tâm về tiến độ của Dung Quất 2 và đảm bảo an toàn trong ngành công nghiệp nặng. Hoạt động quản trị này sẽ nối tiếp trong các dự án khác, trở thành những xe lu chậm và chắc.  

"Tôi kiểm soát tỷ lệ nợ/vốn chủ theo tuần chứ không phải tháng, đảm bảo vay nợ và dòng tiền tối ưu nhất. Trong các cam kết tín dụng, tập đoàn kỷ luật tài chính để đạt mục tiêu, chắc khỏe dần mỗi ngày", bà Oanh nói và cho biết từ 2025 sẽ giảm bớt áp lực tài chính để tích lũy cho các dự án tiếp theo. 

Một nửa nguồn tài trợ dự án đến từ nợ vay (khoảng 35.000 tỷ đồng), tiến độ giải ngân thậm chí đang vượt tiến độ với số dư giải ngân dự kiến cho năm nay khoảng 25.000 tỷ đồng. 

Các ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân phần còn lại trong năm 2025 và đây là đỉnh điểm nợ nay Dung Quất 2 cũng như của tập đoàn. Dung Quất 2 lại bắt đầu đóng góp từ năm sau nên khi đó không còn quá đặt nặng tỷ lệ nợ vay ròng. 

Về sản lượng dự án, năm 2025 dự kiến có khoảng 1,5 triệu tấn HRC từ lò cao 1. Năm 2026 sẽ có đóng góp 80% từ lò cao 1 và bắt đầu có đóng góp từ lò cao 2. Năm 2027 sẽ đạt 100% lò cao 1 và 80% lò cao 2. Siêu dự án sẽ full công suất từ 2028. 

Về thời gian khấu hao, bà Oanh tiết lộ chọn mức trung bình tổng thể khoảng 18 năm cho tổng giá trị đầu tư 70.000 đồng, tức trung bình gần 3.900 tỷ đồng/năm. Giá trị khấu sẽ tăng dần giai đoạn 2025-2026 và bắt đầu hợp lý từ 2027. 

"Nếu lợi nhuận tăng trưởng 2 con số thì không ảnh hưởng nhiều, hiện 7.000 tỷ đồng/năm thì có Dung Quất 2 sẽ tăng lên 10-11.000 tỷ/năm cho khấu hao", bà Oanh nói dòng tiền khấu hao sẽ được quay lại tái sản xuất. 

Huy Lê