Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ được đánh giá là một biến số với thị trường chứng khoán nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam nói riêng khi ông có ý định tăng thuế nhập khẩu từ 10-20% đối với hàng hóa từ các nước khác, riêng Trung Quốc có thể áp thuế trừng phạt lên tới 60% hoặc cao hơn.
Mặc dù ban đầu Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1", nhưng đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Chứng khoán Mirae Asset nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể gặp bất lợi do các biện pháp bảo hộ của Mỹ nhằm ưu đãi các nhà sản xuất trong nước. Nguy cơ bị áp thuế đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được sản xuất tại nước thứ ba cũng là điều đáng lo ngại.
Ví dụ điển hình là việc Mỹ từng áp thuế hơn 400% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam, với cáo buộc hàng hóa tạm nhập tái xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đồng quan điểm, Chứng khoán BSC cũng đánh giá ngành thép Việt Nam sẽ bị ảnh hướng tiêu cực khi Mỹ đã bắt đầu điều tra nguồn gốc xuất xứ và áp thuế đối với các thép nhập khẩu từ các quốc gia lân cận như Mexico, Canada.
Thông thường thép Trung Quốc đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Mexico, Canada, từ đó gián tiếp vào thị trường Mỹ.
Còn Chứng khoán Agriseco cho rằng ngành này có thể chịu ảnh hưởng hai chiều từ chính sách thuế, ngắn hạn có thể tốt nhưng dài hạn kém tích cực do định hướng khôi phục ngành thép của Mỹ.
Phản ứng với việc Tổng thống Trump đắc cử, cổ phiếu ngành thép đã có tuần giao dịch ảm đạm khi các cổ phiếu lớn như HPG, HSG, NKG, TVN, SMC,... liên tục đỏ lửa.
Tỷ trọng xuất khẩu các doanh nghiệp ra sao?
Ông lớn số 1 ngành thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) ghi nhận doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 36.200 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 35% tổng doanh thu toàn tập đoàn và vượt con số của cả năm 2023. Song con số này vẫn chưa bằng doanh thu xuất khẩu của năm 2021 - năm bùng nổ về xuất khẩu của Hoà Phát trong bối cảnh đại dịch.
Hoà Phát xuất khẩu thép xây dựng, thép chất lượng cao để làm thép rút dây, lõi que hàn sang 30 quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Srilanka. Với thép xây dựng, tập đoàn xuất khẩu ra Đông Nam Á là chính.
Còn thị trường xuất khẩu chính của HRC của Hoà Phát là EU, Mỹ, Đông Nam Á, Mexico. Với việc Khu liên hợp Dung Quất 2 đi vào hoạt động năm 2025, tập đoàn đặt mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa khách hàng xuất khẩu của HRC sang Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.
Trong quý III, sản lượng tiêu thụ HRC của Hoà Phát tăng 4% so với cùng kỳ lên 739.000 tấn song sản lượng xuất khẩu giảm 42% do nhu cầu tại thị trường châu Âu giảm.
Tân tổng thống Mỹ sẽ là một biến số lớn cho các doanh nghiệp thép khi các chính sách còn mơ hồ. Dẫu thị trường xuất khẩu của Hoà Phát đa dạng song những chính sách của ông Trump sẽ ít nhiều tác động tới giá thép, cân đối cung cầu thị trường.
Ở lĩnh vực tôn mạ, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) dẫn đầu thị trường tôn mạ nội địa và xuất khẩu. Từ 2020, thị phần xuất khẩu của Hoa Sen giảm từ 47% xuống 31% trong 2023, trong khi đó Nam Kim (Mã: NKG) và Tôn Đông Á (Mã: GDA) liên tục đẩy mạnh thị phần xuất khẩu trong giai đoạn này, đặc biệt là Nam Kim.
Trong đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu của Hoa Sen chiếm hơn 15% ở Mỹ, 20% ở EU, ASEAN 22%.
Còn với Nam Kim, đơn vị này có tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 70% trong cơ cấu doanh thu và các thị trường chính tập trung ở EU và Bắc Mỹ. Dù chưa đánh giá tác động của Tổng thống Trump sau khi đắc cử thì nhiều đơn vị phân tích cũng dự báo hoạt động xuất khẩu của Nam Kim sẽ tiếp tục khó khăn do rào cản thương mại tại các nước nhập khẩu.
Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư đầu tháng, lãnh đạo Tôn Đông Á cũng nhìn nhận trong năm 2025, thị trường nội địa sẽ khả quan hơn thị trường xuất khẩu khi các quốc gia xuất khẩu có xu hướng thực hiện phòng về thương mại. Do đó, Tôn Đông Á dự kiến nâng tỷ trọng đơn hàng nội địa lên 60% thay vì 50:50 như hiện tại.
Theo ước tính của VCBS, EU và Mỹ chiếm gần 80% tiêu thụ của Tôn Đông Á vì vậy các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tác động tới khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích cho rằng rủi ro chính của Tôn Đông Á tới từ việc tiêu thụ quá tập trung vào Mỹ và EU và duy trì tỷ trọng kênh xuất khẩu quá lớn trên tổng tiêu thụ của doanh nghiệp (trên 65% tiêu thụ tôn mạ tới từ kênh xuất khẩu - so với mức 40-50% của HSG và NKG).
Chứng khoán BVSC dự báo xuất khẩu tôn mạ vẫn sẽ tiếp tục tăng trong 2025 nhưng mức tăng có thể sẽ thấp hơn so với 2024 do hành động áp thuế chống bán phá giá từ một số quốc gia lớn như EU, Canada, Mỹ,... đối với thép mạ Việt Nam.
Các doanh nghiệp tôn mạ đều kỳ vọng ở thị trường nội địa hơn với lực đẩy từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và việc áp thuế chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ giúp tăng sức cạnh tranh về giá cho các doanh nghiệp trong nước.