BSC: Chi phí sản xuất của Hòa Phát đã cạnh tranh được với Trung Quốc
Theo Chứng khoán BDIV (BSC), siêu dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 sẽ tiêu thụ tốt, kỳ vọng lấp đầy 90% công suất trong năm 2026 nhờ: lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh, hệ thống phân phối lớn và áp thuế chống bán phá giá thép.
Thứ nhất, chi phí sản xuất của Hòa Phát đã cạnh trạnh được với Trung Quốc. BSC dẫn thông tin chi phí vận chuyển quặng sắt từ Australia, Brazil cũng như than cốc từ Indonesia về Việt Nam và về Trung Quốc là gần như tương đương. Quặng sắt và than cốc chiếm lần lượt 27% và 37% chi phí sản xuất của lò cao.
Việt Nam có lợi thế lớn đến từ giá cho thuê khu công nghiệp, chi phí nhân công rẻ và đặc biệt chưa áp dụng các chính sách về môi trường như Trung Quốc (chênh lệch 30 USD/tấn, tương đương 6-8% giá thép hiện tại).
Do đó, xét về chi phí sản xuất, đơn vị phân tích tin rằng thép Hòa Phát sau dự án Dung Quất 1 đã cạnh tranh tương đối so với thép Trung Quốc.
BSC nhấn mạnh luận điểm trên đã được chứng minh trong 2 năm vừa qua. Nhìn lại giai đoạn 2023 – 9T/2024, Hòa Phát làm tốt trong việc duy trì sản lượng thép thanh hơn 350.000 tấn/tháng, và thép HRC 230.000 tấn/tháng đối với các nhà máy hiện hữu Dung Quất 1, Hải Dương, Hưng Yên.
Lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh cho phép công ty này linh hoạt cân đối giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, đẩy được sản lượng đến các thị trường khác như ASEAN, EU...
Thậm chí với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất của Hòa Phát còn tiếp tục được tiết giảm nhờ quy mô tăng thêm 60%. Việc chi phí sản xuất đã cạnh tranh được với hàng Trung Quốc là yếu tố then chốt để Dung Quất 2 tiêu thụ tốt.
Thứ hai, Hòa Phát sở hữu hệ thống phân phối lớn trên thị trường nội địa. Tập đoàn này đang chiếm khoảng 35-40% thị phần thép xây dựng, khoảng 50% đối với thép cán nóng HRC.
Chuyên gia BSC tin rằng lợi thế về hệ thống đại lý dày đặc sẽ giúp Hòa Phát dễ dàng đẩy sản lượng hơn so với các đối thủ trong nước.
Cuối cùng là áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC từ Trung Quốc. BSC kỳ vọng Bộ Công thương sẽ thông qua áp thuế từ giữa năm 2025 khi cơ quan này đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện CBPG đối với thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Thời kỳ điều tra từ 1/7/2023 đến 30/6/2024. Biên độ CBPG đề nghị với Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.
Về tính khả thi, nhóm phân tích cho rằng có cơ sở để Bộ Công thương đưa ra áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng từ Trung Quốc. Sản lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 8-9 triệu tấn trong thời gian bị điều tra, gấp lần lượt 3,4 lần và 2,6 lần của năm 2021 và 2022.
Về tiến độ, các bên liên quan sẽ gửi lại trả lời câu hỏi cho Bộ Công thương trong tháng 10 (gia hạn 1 tháng so
với kế hoạch trước đó). BSC kỳ vọng thời gian sớm nhất để có kết luận sơ bộ và áp thuế chống bán phá giá tạm
thời là quý II/2025.
Bản chất mảng HRC của Việt Nam vẫn đang thiếu cung, do vậy, việc thông qua áp thuế CBPG thép HRC sẽ tạo điều kiện cho việc Hòa Phát lấy thêm được thị phần.
Nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam vào khoảng 12-13 triệu tấn/năm, cao hơn 33% so với tổng công suất hiện tại của Hòa Phát và Formossa (9 triệu tấn/năm).
Thị trường Việt Nam đang thiếu 3-4 triệu tấn/năm. Do đó, trong trường hợp áp thuế CBPG thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ thông qua, BSC tin rằng Hòa Phát sẽ chiếm được thị phần từ HRC nhập khẩu của Trung Quốc.
Với các yếu tố trên, sản lượng của Dung Quất 2 có thể đảm bảo trong năm 2025. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của nhà máy sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá thép và giá nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tỷ lệ chi phí biến đổi/doanh thu của các nhà máy Hòa Phát dao động ở mức 81,5%.
Chuyên gia BSC ước tính dự án Dung Quất 2 có thể giúp tập đoàn tăng quy mô lợi nhuận năm 2026 lên gấp 1,2-2,4 lần so với năm 2024. Trong trường hợp nhà máy Dung Quất 2 hoạt động ổn định công suất 90%, BSC ước tính lợi nhuận Hòa Phát đạt 15.000 - 30.000 tỷ đồng vào năm 2026.
KLH Dung Quất 2 có công suất thiết kế là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để dự án được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Về tiến độ xây dựng, tập đoàn cho biết đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và các hạng mục xây dựng trong năm 2023; tiếp tục lắp đặt máy móc thiết bị giai đoàn quý II-III năm nay. Dự án đã gần như hoàn thành việc lắp đặt các dây chuyền chính cho phân kỳ 1 và đạt một nửa tiến độ của phân kỳ 2.
Lò cao đầu tiên dự kiến khai lò vào cuối quý IV, các dây chuyền đúc và cán thép cũng sẽ hoạt động trong tháng 12, đưa phân kỳ 1 vào chạy chính thức. Phân kỳ 2 với công suất tương đương dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025.