Xuất khẩu Việt Nam ước tính vượt 400 tỷ USD trong năm nay
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Công Thương vào chiều 23/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá quy mô sản xuất công nghiệp đã phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục mở rộng, giữ vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
"Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu rõ.
Theo Thứ trưởng, công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao. Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, bà Thắng cho hay việc tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, đã giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến đạt 783 tỷ USD, vượt hơn 100 tỷ so với năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD, vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023 và tăng 13,6% so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch, tăng mạnh nhờ nhu cầu hồi phục. Các thị trường lớn khác như Trung Quốc, EU cũng duy trì mức tăng trưởng khả quan.
Năm 2024 cũng là năm thứ 9 Việt Nam ghi nhận xuất siêu, đây là một trong những cấu phần quan trọng để quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.