|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc VPBankS: Chứng khoán thường tăng trước Giáng sinh và sau Tết, triển vọng năm 2025 vẫn khả quan

07:56 | 24/12/2024
Chia sẻ
Tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” mới đây, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS), đã nêu dự báo triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn và năm 2025.

Trong ngắn hạn, ông Đức cho biết một hiện tượng là chứng khoán thường tăng trước lễ Giáng sinh và 3 - 5 ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Chu kỳ này có xác suất 70%.

Ông lý giải trước lễ Giáng sinh có rất nhiều đợt tái cơ cấu của các ETF. Khi tái cơ cấu xong, các quỹ sẽ phải mua lại cổ phiếu.

“Tâm lý nghỉ lễ bao giờ cũng là tâm lý tích cực. Ở nước ngoài có lễ Noel (Giáng sinh) thì Việt Nam có Tết Âm lịch (Tết Nguyên đán). Ở Việt Nam, 80% trước Tết Âm lịch thì chứng khoán tăng điểm.”, ông Đức nói.

Chia sẻ khía cạnh rủi ro trong ngắn hạn, ông cho rằng rủi ro không hẳn là xấu, nhà đầu tư nên nhìn rủi ro theo hai hướng. Nếu chứng khoán tăng tốt, nhà đầu tư không giải ngân đủ thì cũng là rủi ro.

Nếu chu kỳ từ giờ đến đầu năm sau là tích cực, nhà đầu tư không nên sợ hãi, bán ra cổ phiếu. Các nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu ít nhất là cho đến khoảng 3 ngày sau phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, bởi khi đó xu hướng hồi phục của thị trường mới có thể kết thúc.

  Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS). (Ảnh chụp màn hình).

Nhìn qua 2025, quan điểm của ông Đức đây là năm tích cực. Trong kịch bản của VPBankS, VN-Index có thể tăng vượt 1.400 điểm, có thể đến 1.420 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải tuân thủ quy tắc là nhận diện được rủi ro có thể xảy ra với kịch bản tích cực. Nếu như những yếu tố rủi ro trở thành hiện thực, nhà đầu tư cần điều chỉnh lại kịch bản, kỳ vọng của mình cũng như có phương pháp giảm tỷ trọng cổ phiếu thích hợp.

Bàn về cơ hội, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hai năm tăng trưởng khá chậm, mỗi năm tăng khoảng 10 - 12%. Theo thống kê của ông Đức, hiếm khi chứng khoán tăng chậm như vậy. Chứng khoán Việt Nam và thế giới thường tăng mạnh hoặc giảm mạnh.

Nếu nhìn vào 2025, khả năng tăng mạnh sẽ nhiều hơn. Ông nhận thấy nhiều yếu tố tích lũy trong hai năm vừa rồi. Năm 2024 doanh nghiệp tăng trưởng 18%, định giá thị trường rẻ, vào khoảng 11 - 12 lần.

Tuy nhiên khối ngoại bán ra mạnh. Đến gần cuối năm, xu hướng này đã được đảo chiều. Khối ngoại bán ít đi, nhiều phiên mua lại.

Năm 2025 nếu thị trường được nâng hạng, dòng tiền nước ngoài trở lại, cộng với kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 6,5 - 7%, cung tiền vào khoảng 15%, ông Đức nhận định rủi ro có thể là nhà đầu tư đang định giá thị trường quá thấp. Thị trường vượt được 1.400 điểm thì có thể vượt 1.500 điểm trong năm tới.

Chiều ngược lại, rủi ro đầu tiên là liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức có áp dụng chính sách thương mại một cách cực đoan như đã nói hay không. Ông Trump trước đó đã tuyên bố áp thuế 60% với Trung Quốc và 25% với các nước khác.

Theo đánh giá của Giám đốc VPBankS, điều này sẽ không xảy ra. Trong bài phỏng vấn gần đây, khi được hỏi sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên, ông Trump cho biết thuế quan chỉ là công cụ đàm phán. Nếu đồng ý xử lý vấn đề như ngăn chặn nhập cư, trả lại kênh đào Panama hay những quốc gia có nhiều thặng dư chịu nhập nhiều hàng hóa mà Mỹ có lợi thế như dầu, kịch bản trên sẽ không xảy ra.

Các thị trường tài chính sẽ phải chờ đến khi ông Trump lên nhậm chức. Nếu tuyên bố chính thức của ông Trump không quá đáng lo ngại, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tiếp theo.

Nếu ông Trump áp thuế và người trả đũa chỉ có Trung Quốc, ảnh hưởng đến thị trường sẽ không nhiều, theo Bloomberg. Trung Quốc đã có chiến tranh thương mại trong 5 - 6 năm và cả hai đều đã có những điều chỉnh, khiến cho ảnh hưởng không quá lớn.

Trường hợp tất cả các quốc gia trả đũa lại nước Mỹ thì thị trường mới gặp phải kịch bản “thiên nga đen”. Tuy nhiên, trường hợp thứ hai sẽ khó xảy ra, bởi ông Trump đã nói áp thuế vì có lý do. Nếu giải quyết được thì Mỹ sẽ không áp thuế.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi chứng khoán Mỹ điều chỉnh thì chuyện gì sẽ xảy ra với chứng khoán Việt Nam. Về vấn đề này, theo ông Đức, hiện có hai luồng ý kiến, thứ nhất chứng khoán Mỹ điều chỉnh thông thường vì quá đắt thì tiền sẽ chảy lại các nước như Việt Nam, hay châu Á. Khi đó thị trường Việt Nam sẻ hưởng lợi vì dòng tiền sẽ trở lại.

Còn nếu Mỹ "hạ cánh cứng", tiền sẽ rút khỏi toàn bộ kênh đầu tư, không phải về các nước định giá rẻ. Tiền sẽ về những kênh phòng thủ như nhà đất, vàng chứ không ở lại chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư luôn luôn phải phân biệt điều chỉnh và suy thoái.

“Đầu tư chứng khoán chúng ta chỉ sợ rủi ro lớn nhất là suy thoái. Không suy thoái thì những đợt điều chỉnh thông thường cứ mua vào, kiểu gì cũng thắng. Nhưng suy thoái xảy ra thì chúng ta sẽ mất rất nhiều tiền. Suy thoái xảy ra chỉ với tần suất từ 3 - 4 năm một lần. Chúng ta có suy thoái 2020, 2022 cũng có thể coi một đợt suy thoái và 2025 - 2026 có thể đủ chu kỳ 4 năm.

Cũng có thể chứng minh ngược lại rằng trong một chu kỳ 4 năm không bao giờ có suy thoái. Sau khi đã có hai năm 2023 và 2024 rất tích cực, bước sang 2025 có thể vẫn tích cực nhưng sang 2026 là đến hạn của chứng khoán Mỹ và có khả năng suy thoái xảy ra. Chúng ta nên cẩn trọng kịch bản này”, ông Đức chia sẻ.

Theo ông, để chứng khoán Mỹ “hạ cánh cứng”, nhà đầu tư cần chú ý đến ba yếu tố “thiên nga đen”. Một là chính sách thương mại của Mỹ. Theo vị chuyện gia, ông Trump sẽ không áp thuế nhưng vì lý do nào đó mà áp dụng thì sẽ tạo rủi ro suy thoái.

Thứ hai, chính sách của ông Trump chỉ dẫn đến suy thoái nếu các quốc gia khác trả đũa. Còn nếu vị tổng thống Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mà không trả đũa thì cũng không có tác động đáng kể.

Cuối cùng, theo “Vua trái phiếu” Jeffrey Gundlach và tỷ phú Ray Dalio nhìn ra, nợ công của Mỹ là vấn đề. Về nợ công của nước Mỹ, với chính sách của ông Trump hiện tại là giảm thuế, ủng hộ doanh nghiệp, trong ngắn hạn tác động sẽ là tích cực, thúc đẩy tăng trưởng trong 2025 và 2026.

Nhưng về dài hạn, thâm hụt ngân sách của nước Mỹ sẽ tăng lên nếu không có biện pháp xử lý. Với tốc độ hiện nay và lợi suất 6%/năm, nước Mỹ mất một nửa ngân sách để trả lãi cho nhà đầu tư trái phiếu. Rủi ro là thâm hụt ngân sách lên 11%, nợ công lên 122% và ngân sách chỉ để trả trái phiếu.

Đó là lý do mà gần đây ông Elon Musk đã đứng đầu Ủy ban DOGE (“Bộ” Hiệu suất Chính phủ) với nhiệm vụ cắt giảm 1.500 - 2.000 tỷ USD thâm hụt của Mỹ. Thâm hụt chính là con “thiên nga đen” được ông Trump nhìn nhận ra và đang có giải pháp tinh gọn để ngăn kịch bản suy thoái.

Xuân Nghĩa

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.