|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sếp Pyn Elite kỳ vọng VN-Index đạt 2.500 điểm, khuyên nhà đầu tư 'nắm chặt' cổ phiếu

21:29 | 23/12/2024
Chia sẻ
Ngày 23/12, ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite Fund vừa gửi thư đến nhà đầu tư, đưa quan điểm đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, với chủ đề “Strong Hold!” (tạm dịch là “Chắc tay nắm giữ!”).

Đại diện quỹ Phần Lan cho biết giá trị tài sản ròng (NAV) của Pyn Elite đã tăng 18% vào năm 2024, cao hơn so VN-Index (tăng 12%).

Ông kỳ vọng hiệu suất thị trường cao hơn nhiều khi tăng trưởng thu nhập đã tăng tốc đáng kể vào cuối năm. Tuy nhiên, chỉ số vẫn loanh quanh trong phạm vi 1.200 - 1.300 điểm.

Kỳ vọng dài hạn của Pyn Elite đối với VN-Index vẫn không đổi, ở mức 2.500 điểm. Mục tiêu này dựa trên mức tăng trưởng thu nhập đáng kể dự kiến trong khoảng thời gian 2-3 năm và định giá thị trường chứng khoán theo P/E ở mức 16 lần.

Tuy nhiên, ông Petri Deryng cho biết các nhà đầu tư đã tập trung vào các rủi ro giảm giá hơn là kỳ vọng. Tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi USD mạnh lên, rủi ro về thuế tiềm tàng từ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump và dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi cổ phiếu Việt Nam.

Với các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam duy trì tăng trưởng thu nhập, P/E dự phóng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 sẽ giảm xuống còn 10,1 lần.

 Dự phóng P/E 2025 của Pyn Elite Fund. (Nguồn: Pyn Elite Fund).

Pyn Elite tin rằng rủi ro giảm giá mà các nhà đầu tư lo ngại sẽ không còn và trọng tâm sẽ chuyển sang mức tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp niêm yết và mức định giá tương ứng trên thị trường.

Vốn hóa thị trường kết hợp của sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM so với GDP vào năm 2025 đạt tỷ lệ 57%, theo ông Petri Deryng là hợp lý.

 Tỷ lệ vốn hóa trên GDP. (Nguồn: Pyn Elite Fund).

Nhà điều hành quỹ nhận định tỷ lệ này đối với thị trường chứng khoán của một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng có thể dễ dàng đạt mức định giá gần 100%.

Bàn thêm về rủi ro từ thuế dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Pyn Elite cho biết các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đầu tư và thương mại nước ngoài. Tác động bất lợi tiềm tàng của chính sách kinh tế bảo hộ của Mỹ gây ra một số lo ngại.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này đã tăng 132% trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, và quỹ ngoại không kỳ vọng nhiệm kỳ thứ hai sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với Mỹ hoặc trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Tổng quan về yếu tố rủi ro, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sự kiện toàn cầu trong tương lai, vì thị trường tài chính toàn cầu do đồng USD thống trị cũng ảnh hưởng đến việc quản lý tỷ giá hối đoái VND và lãi suất trong nước.

Định giá cổ phiếu công nghệ, sự khó xác định của giá tiền điện tử, xu hướng tăng của S&P 500, dòng vốn đầu tư phân hóa cao trên thị trường và những thay đổi đột ngột tiềm ẩn về động lực của các yếu tố này tạo ra rủi ro cho đầu tư cổ phiếu toàn cầu.

Sự leo thang của các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới gây ra rủi ro cho thương mại toàn cầu.

Năm 2025 và những năm tiếp theo dường như hứa hẹn về mặt tăng trưởng kinh tế đáng kể ở Việt Nam, kéo theo hiệu suất thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông Petri Deryng đánh giá việc tháo gỡ các yếu tố rủi ro riêng lẻ bên ngoài có thể làm hiện ra những động lực quan trọng hơn đối với tâm lý thị trường chứng khoán, so với các sự kiện ở chính Việt Nam.

Xuân Nghĩa