Tập đoàn Hà Đô: Triển vọng từ mảng bất động sản và dự án điện
Lãi ròng 6 tháng tăng vọt, Tập đoàn Hà Đô sắp chào bán 7,6 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng |
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) mới đây công bố báo cáo phân tích về CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG).
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2018 của Tập đoàn Hà Đô ước tính lần lượt đạt 1.138 tỉ đồng (tăng 6,8% so cùng kỳ năm ngoái) và 221,3 tỉ đồng, tăng gấp 13,1 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân là chi phí lãi vay/doanh thu thuần giảm mạnh do Tập đoàn Hà Đô đã trả một phần gốc vay, đa phần các căn hộ đã được bán từ trước quý II/2018 và hạch toán một phần dự án Centrosa Garden. Như vậy, Tập đoàn Hà Đô mới chỉ thực hiện được 26,5% và 30,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2018 sau 9 tháng kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh bất động sản và phát triển quỹ đất của Tập đoàn Hà Đô
Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, giai đoạn 2019 – 2020, Tập đoàn Hà Đô có nguồn lợi nhuận chính đến từ các dự án Hà Đô Centrosa, Hà Đô Dragon City, Hà Đô Green Lane. Ngoài ra, dự án Nongtha Central Park dự kiến cũng sẽ được mở bán trong Q4/2018.
Dự án Hà Đô Centrosa. Nguồn: Hà Đô |
Bên cạnh đó, việc phát triển quỹ đất nhằm đảm bảo phát triển trong dài hạn cũng được quan tâm trong thời gian vừa qua. Cụ thể, sau khi hoàn tất thoái vốn từ Bộ Quốc Phòng, Tập đoàn Hà Đô tích cực đẩy mạnh việc M&A và mua thêm các quỹ đất mới như Tòa nhà hỗn hợp Dịch Vọng – Cầu GIấy (1ha), HaDo Green Land (2,3 ha), 62 Phan Đình Giót (2,23 ha), dự án Alila Bảo Đại (8,92ha). Theo đó, công ty dự kiến triển khai các dự án này từ năm 2019.
Mảng thủy điện dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2019 nhờ đóng góp từ nhà máy thủy điện Nhạn Hạc
Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc (công suất 59 MW) được đưa vào vận hành từ quý III/2018, qua đó giúp tổng công suất mảng thủy điện của Tập đoàn Hà Đô tăng gần gấp đôi từ mức 60 MWh lên mức 119 MW. Tổng vốn đầu tư thủy điện Nhạn Hạc là 1.881 tỷ đồng với sản lượng hàng năm ước đạt 206 triệu KWh/Năm. Theo Chứng khoán BSC, nhà máy thủy điện Nhạn Hạc được áp dụng biểu giá chi phí tránh được với giá bán giờ cao điểm mùa khô là 2.305 đồng/kWh, giá thấp điểm là 700 đồng/kWh và giá bình quân là 1.200 đồng/kWh. Đây là mức biểu giá cao hơn đáng kể so với mức giá bán bình quân thủy điện (khoảng 800 -900 đồng/kWh).
Về các dự án điện khác của công ty, dự án năng lượng măt trời Hồng Phong 4 dự kiến đưa vào vận hành trước 30/6/2019 để hưởng giá bán điện ưu đãi 9,35 cent. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, thời gian lắp đặt và vận hành thử của các dự án năng lượng mặt trời khá nhanh (trung bình khoảng 4 tháng). Tổng công suất dự kiến 48 MWp- 40MWac, tương đương sản lượng ước đạt 91 triệu kWh/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.100 tỷ đồng và bắt đầu thi công xây dựng từ tháng 10/2018.
Dự án năng lượng măt trời Hồng Phong 4. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, dự án nhà máy điện gió Tiến Thành 1 dự kiến đưa vào vận hành từ quý IV/2019. Công suất dự kiến 60MW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.100 tỉ VNĐ. Tập đoàn Hà Đô dự kiến hoàn thành thủ tục pháp lý từ tháng 3/2019 và bắt đầu xây dựng từ tháng 6/2019.