Tăng trưởng toàn cầu đổi lấy bùng nổ kinh tế Mỹ ?
Thị trường nhiên liệu xác nhận tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại |
Trong khi sự gia tăng của đồng USD và lãi suất đã "bóp nghẹt" các nền kinh tế mới nổi, cũng như cuộc chiến thương mại đe dọa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 ghi nhận tăng trưởng kinh tế tăng tốc trong năm nay vì chính sách giảm thuế của ông Trump có hiệu lực.
Sự kết thúc của niềm vui ngắn ngủi về sự tăng trưởng đồng bộ toàn cầu được chứng thực trên các thị trường tài chính. Công ty NatWest Markets nhận thấy những tài sản được coi là tăng trưởng như đồng đô la Australia và kim loại đồng đã giảm khoảng 4,5% trong năm nay so với mức tăng gần 7% của chỉ số S&P 500.
Khoảng cách này chắc chắn thể hiện tính chất bất cân bằng của tăng trưởng trong năm nay, theo ông Jim McCormick, người đứng đầu phòng chiến lược tài sản tại NatWest.
Sự thụt lùi toàn cầu sẽ là chủ đề thảo luận khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức hội nghị chuyên đề chính sách hàng năm trong tuần này tại Jackson Hole, Wyoming, với Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu. Hai lần tăng lãi suất trong năm nay của Fed đã giúp đồng USD tăng gần 6%, và khiến những người vay nợ quốc tế tốn nhiều hơn để trả các khoản vay.
Ông Mark Nash, người đứng đầu phòng thu nhập cố định của Old Mutual Global Investor, đang đặt cược nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục khiến Fed tăng lãi suất, mặc dù điều này cuối cùng có thể phản tác dụng cho chính nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Một khi biến động trên thị trường mới nổi trở nên đặc biệt gay gắt, nó sẽ tự nhiên lan trở lại Mỹ và thay đổi mọi thứ theo cách Fed cần để quản lý chính sách tiền tệ nội địa. Hiện tại, chúng ta không thể chê trách điều ông Powell đang làm, nhưng hệ quả của nó có thể quay trở lại ám ảnh ông ấy”, ông Nash nhận định.
Bằng chứng của sự chậm lại bên ngoài nước Mỹ khá rõ ràng. Các chuyên gia phân tích tại JPMorgan Chase & Co cho biết, mặc dù tăng trưởng toàn cầu nhìn chung tăng so với xu hướng trong dài hạn nhờ Mỹ, số những quốc gia thể hiện vượt tiềm lực đã giảm còn 60% từ mức 80% trong năm 2017.
Động lực tăng trưởng của Trung Quốc đã kết thúc khi các nhà hoạch định chính sách ngăn chặn rủi ro cho vay và tranh chấp thương mại với Mỹ bắt đầu gây ra ảnh hưởng tiêu cực, khiến các nhà hoạch định chính sách thay đổi cơ cấu để cho thấy sự sẵn sàng hỗ trợ. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận thấy sự chậm lại tại Nhật Bản.
Trên khắp châu Âu, khảo sát và những chỉ số niềm tin đã giảm trong năm nay, một phần vì lo ngại về xuất khẩu. Các đơn đặt hàng nhà máy của Đức, tiêu chuẩn đánh giá sản lượng tương lai tại nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu, ghi nhận mức giảm hàng năm đầu tiên trong gần 2 năm vào tháng 6.
Trong khi Italy đang vướng vào mâu thuẫn với các nhà đầu tư về kế hoạch tài khóa, liên quan tới chi phí vay nợ, bất ổn xung quanh vấn đề Brexit tại Anh vẫn chưa có hồi kết.
Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài ra, còn có các thị trường mới nổi. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, Venezuela rơi vào một trong những đợt mất giá lớn nhất trong lịch sử và Argentina đang tăng lãi suất để bảo vệ đồng tiền quốc gia. Trong khi, không trường hợp đủ sức để khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, hậu quả đối với thị trường có thể đánh bay niềm tin nếu khủng hoảng lan sang những cường quốc của thị trường mới nổi như Brazil.
Ông Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, không nghĩ rằng các thị trường mới nổi sẽ khiến kinh tế thế giới sụp đổ. Ông cho biết, ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chiếm 24,6% sản lượng toàn cầu trong năm ngoái, giảm từ đỉnh 26,7% trong năm 2013.
Mặc dù vậy, số liệu từ các nhà khổng lồ kho vận Kuehne + Nagel Group, thương mại xuyên biên giới đang suy yếu, với tỷ lệ tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi giảm 1/5 trong tháng 8. Theo tính toàn của hai công ty, thương mại tại Brazil, Hàn Quốc, Đài Loan, và Ấn Độ đang giảm hơn 5% so với năm ngoái.
Sự chậm lại tại châu Á cũng đáng quan tâm. Khi mà đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu của khu vực, ngoại trừ Nhật Bản, đạt 40% trong năm 2017 so với mức 23% trong 2007, phản ánh hoạt động thương mại theo quy mô và nhấn mạnh sự hội nhập với thế giới, theo ông Robert Subbaraman, người đứng đầu phòng kinh thế thị trường mới nổi tại Nomura Holding.