|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc chạm đáy 17 năm, doanh số bán lẻ đáng thất vọng

14:39 | 14/08/2019
Chia sẻ
Vào ngày 14/8, Trung Quốc vừa công bố một loạt dữ liệu kinh tế trong tháng 7 song kết quả đều yếu hơn dự đoán.

Trong đó, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này đã rơi xuống mức thấp nhất trong 17 năm, điều này cho thấy những rạn nứt kinh tế ngày càng lớn khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.

1000x563_china-july-industrial-output-growth-falls-to-17-year-low-as-trade-war-escalates-retail-sales-disappoint

Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, trong tháng 7 sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,8% so với cùng kì năm trước, thấp hơn mức dự báo xấu nhất từ cuộc thăm dò của Reuters.

Các nhà phân tích đã dự đoán tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 6,3% trong tháng 6 xuống 5,8% vào tháng 7, trong bối cảnh nhu cầu trong nước và quốc tế đều suy yếu. Trước đó, Mỹ đã tăng mạnh thuế quan đối với phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong hơn một năm qua, dữ liệu mới công bố cho thấy nhu cầu nội địa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn khá ì ạch, theo Reuters.

Cùng với đó, các khảo sát hoạt động nhà máy trong tháng 7 cũng không mấy khả quan, nhập khẩu èo uột và dữ liệu cho vay ngân hàng được công bố vài ngày trước cũng yếu hơn dự đoán.

Các yếu tố này cùng củng cố quan điểm rằng Bắc Kinh cần đưa ra nhiều kích thích trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế.

Cũng trong tháng 7, doanh số bán lẻ ghi nhận ở mức 7,6% so với cùng kì năm 2018, thấp hơn kết quả 9,8% trong tháng 6 cũng như dự đoán 8,6% của các nhà phân tích.

Đầu tư vào tài sản cố định đã tăng 5,7% trong giai đoạn tháng 1 - 7 so với cùng kì năm trước. Kết quả này không vượt qua mức kì vọng 5,8% mà vẫn duy trì ở cùng mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, dữ liệu đầu tư theo ngành còn cho thấy sự lao dốc rõ nét hơn trong các khu vực quan trọng hồi đầu quí III.

Đầu tư vào tài sản cố định thuộc khu vực tư nhân, chiếm khoảng 60% tổng đầu tư của Trung Quốc, đã giảm từ mức 5,7% trong nửa đầu năm 2019 xuống 5,4% trong giai đoạn tháng 1 - 7.

Đầu tư bất động sản tăng 10,6% trong 7 tháng đầu năm 2019, chững lại từ mức 10,9% trong giai đoạn tháng 1 - 6. Khu vực này là một trong số ít những điểm sáng trong nền kinh tế Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại nhằm phản ứng với một loạt biện pháp hỗ trợ được tung ra từ năm ngoái, với tăng trưởng quí II hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm. Niềm tin kinh doanh cũng không ổn định, đè nặng lên hoạt động đầu tư.

Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng cuộc chiến thương mại kéo dài và tốn kém hơn giữa Washington và Bắc Kinh có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hồi cuối tháng 7, với lí do gặp phải áp lực từ hoạt động bảo hộ thương mại, Bộ Công nghiệp Trung Quốc cho biết nước này cần phải nỗ lực miệt mài để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng sản lượng công nghiệp năm 2019 trong khoảng 5,5 - 6%.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ cần phải tung ra nhiều chính sách kích thích hơn để ngăn chặn suy thoái sâu hơn và giúp ổn định tăng trưởng.

Quan điểm này đã được củng cố vào đầu tháng 7 khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1/9.

Động thái như vậy sẽ nới rộng thuế quan ra toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất đến thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm giảm bớt tác động của thuế quan đối với doanh số bán hàng trong kì nghỉ lễ tại Mỹ, ông Trump đã tuyên bố hoãn thuế quan đối với một số sản phẩm Trung Quốc, gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.