Tại sao đồng nhân dân tệ tăng có thể phá rối chiến lược của Tổng thống Trump?
Theo Nikkei Asian Review, đồng nhân dân tệ tăng giá là một trong các vấn đề mà Chủ tịch Tập Cận Bình e ngại do điều đó sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc mất khả năng cạnh tranh. Tương tự những người tiền nhiệm, ông Tập hết sức kiềm chế giới đầu cơ đẩy giá đồng nội tệ.
Tuy nhiên, kể từ tháng 6 năm nay, chính quyền ông Tập Cận Bình đã bất ngờ cho phép đồng nhân dân tệ tăng mạnh, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất châu Á. Chỉ riêng trong quí III/2020, đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 4%.
Đồng nhân dân tệ tăng đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất, liệu đồng tiền này đang tăng thực chất hay chỉ là may mắn? Thứ hai, diễn biến của đồng nhân dân tệ cho biết gì về tranh chấp Mỹ - Trung?
Đồng nhân dân tệ đang tăng thực chất?
Câu trả lời đầu tiên là có, tức đồng nhân dân tệ thực sự tăng điểm. Dù Trung Quốc mở đầu năm 2020 với kết quả tồi tệ nhất trong gần 30 năm, đến nay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tăng khoảng 2%.
Tốc độ tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc khác xa mức giảm 6,8% trong quí I và càng cách biệt hơn so với nền kinh tế Mỹ đang chìm sâu dưới sức nặng của gần 7 triệu ca nhiễm COVID-19.
Chiến lược gia Win Thin tại ngân hàng Brown Brothers Harriman cho hay: "Đồng USD và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược".
Hoạt động xuất khẩu, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc phục hồi, tương quan với khẳng định của Bắc Kinh rằng chính phủ đã kiểm soát được đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, nhà đầu tư lạc quan rằng trái phiếu Trung Quốc sẽ được thêm vào nhiều chỉ số toàn cầu hơn. Hôm nay (24/9), FTSE Russell dự kiến sẽ quyết định có thêm trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào các chỉ số của tổ chức này hay không.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) không can thiệp mạnh vào thị trường như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Cho nên, dù không cố ý kìm chế đồng nội tệ đang tăng điểm, Trung Quốc hôm 22/9 đã ấn định tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn một chút so với dự kiến.
Hàm ý gì cho xung đột Mỹ - Trung?
Lí giải trên đặt ra câu hỏi thứ hai về quĩ đạo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Một phần lí do khiến ông Tập chấp nhận cho đồng nội tệ tăng liên quan đến Tổng thống Trump.
Trong ba năm qua, ông chủ Nhà Trắng đã gây leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Từ thuế quan áp lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, ông Trump đã chuyển hướng cuộc chiến sang các ứng dụng Trung Quốc phổ biến như TikTok và WeChat.
Theo Nikkei, không gì có thể kích động ông Trump nhanh và mạnh hơn việc đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng USD. Xét dưới góc độ kinh tế vĩ mô, Trung Quốc có nhiều lí do để muốn đồng nhân dân tệ tăng giá.
Tuy nhiên, có một số lí do vi mô cho việc hạ tỷ giá hối đoái đồng nhân tệ, đáng chú ý nhất là các vết nứt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá hơn 4.000 tỉ USD của Trung Quốc. Nợ trễ hạn tại Trung Quốc đang tăng lên trước khi 530 tỉ USD trái phiếu đáo hạn vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, chính quyền ông Tập đã xác định rằng ảnh hưởng do đồng nhân dân tệ tăng giá còn tốt hơn là tiếp tục bị Washington tấn công. Đầu tuần này, ông Trump đã chứng minh lí do tại sao Trung Quốc cần phải lo sợ.
Cụ thể, ông Trump đã yêu cầu cấp dưới phá giá đồng USD, tuy nhiên, các cấp dưới của ông Trump đã từ chối làm điều đó.
Theo Nikkei, vào tháng 5, ông Trump đã cân nhắc giảm một phần trong gần 1.100 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ. Ý định của ông Trump càng dễ hiểu khi trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông từng cho biết bản thân có thể xem xét vỡ nợ với trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của ông Tập với đồng nhân dân tệ đang mạnh lên là một chiến lược thông minh vào thời điểm ông Trump đang muốn phá hoại đồng USD - đồng tiền dự trữ của thế giới.
Rất lâu từ trước khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình đã muốn thay thế đồng USD. Ví dụ, năm 2016, Trung Quốc đã đưa đồng nhân dân tệ vào câu lạc bộ 5 đồng tiền hàng đầu của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bên cạnh đồng USD, yen, euro và bảng Anh.
Từ đó, chính sách của ông Trump diễn ra theo đúng ý muốn của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cụ thể, Washington né tránh vay mượn; Fed tung ra nhiều kích thích kinh tế khủng; Mỹ áp thuế quan được cho là vi phạm qui tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); các quan chức Mỹ ám chỉ về việc vỡ nợ trái phiếu chính phủ hoặc cân nhắc phá giá đồng USD; và Nhà Trắng muốn thu tiền từ các giao dịch kinh doanh.
Các chính sách có ảnh hưởng lớn nhất của ông Trump có thể hủy hoại đồng USD và giúp đồng nhân dân tệ lấp vào khoảng trống. Hiện tại, Washington đang kiềm chế vì đồng USD là trụ cột của nền tài chính toàn cầu. Hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ có thể tàn phá thị trường.
Cuộc tranh luận xoay quanh đồng USD và nhân dân tệ còn kể ra câu chuyện khác. Liệu ông Tập có phải là nhà cải các hàng đầu mà nhiều người khẳng định? Theo Nikkei, câu trả lời là không, khi mà xuất khẩu, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngầm còn đang thống trị nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền ông Tập đang đầu tư hàng nghìn tỉ USD để trở thành người đi đầu toàn cầu về phần mềm, vi xử lí, năng lượng tái tạo, xe điện, xe tự hành và trí tuệ nhân tạo (AI). Hay nói cách khác, Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng các "khối cơ" cho nền kinh tế nội địa.
Trái ngược với ông Tập, Tổng thống Trump lại muốn từ bỏ năng lượng tái tạo và đưa than đá trở lại ngành công nghiệp. Kế hoạch của ông Tập đang nâng tầm cuộc chơi, còn chiến lược của ông Trump dường như đang va phải Trung Quốc ở gần vạch đích.
Nikkei kết luận, đó là lí do tại sao đồng nhân dân tệ tăng giá có thể gây rối chính sách của ông Trump và xây dựng sức mạnh toàn cầu mà Trung Quốc dưới thời ông Tập mong muốn.