Bloomberg: 5 năm sau phá giá, Trung Quốc có đồng nhân dân tệ như ý muốn
Theo Bloomberg, cách đây 5 năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ cắt giảm 1,9% tỷ giá tham chiếu hàng ngày, gây ra mức giảm mạnh nhất trong ngày của đồng nhân dân tệ kể từ khi Trung Quốc chấm dứt hệ thống tiền tệ kép vào năm 1994.
Sự suy yếu của đồng nhân dân tệ sau động thái này đã kéo hơn 500 tỉ USD chảy ra ngoài nền kinh tế trong hai năm tiếp theo.
So với thời điểm trước khi phá giá, đồng nhân dân tệ giảm hơn 10% so với cả USD lẫn đồng tiền của các đối tác thương mại khác. Với đồng euro, nhân dân tệ chạm gần mức thấp nhất trong 6 năm.
Thế nhưng, Trung Quốc chấp nhận việc đồng nhân dân tệ ở vị thế thấp hơn, điều này khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên, để tránh mất giá mạnh, Trung Quốc phải đánh đổi giữa sự ổn định và việc nâng vị thế của đồng tiền.
Dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng nhân dân tệ vẫn ít được sử dụng bên ngoài Trung Quốc. Tỉ trọng của đồng tiền này trong thanh toán toàn cầu và dự trữ của ngân hàng trung ương ở mức thấp khoảng 2%, trong khi đó USD chiếm ít nhất 40%.
Hiện tại, có vẻ như các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rất hài lòng khi thấy đồng USD yếu đi so với các đồng tiền khác. Bất chấp căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, đồng nhân dân tệ đang giao dịch ở mức ngang bằng với đồng bạc xanh cách đây 6 tháng.
Bà Carie Li, chuyên gia kinh tế tại OCBC Wing Hang Bank, cho biết: "Sự ổn định tổng thể của đồng nhân dân tệ đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng vốn vào.
Bà cho rằng trong tương lai, Bắc Kinh sẽ cần điều chỉnh tỷ giá giao ngay mang định hướng thị trường hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các quĩ nước ngoài đầu tư vào trong nước và tạo thêm các công cụ phái sinh cho nhà giao dịch để phòng ngừa rủi ro đồng nhân dân tệ.
PBoC vẫn có thể quyết định tỷ giá giao dịch nhân dân tệ hàng ngày, dựa trên bảng tỷ giá của 14 ngân hàng, biên độ của đồng nhân dân tệ đang là 2%. Đối với các nhà đầu tư việc điều chỉnh tỷ giá thể hiện lập trường của nhà điều hành đối với đồng tiền của họ.
Bên cạnh đó, một số cách thức để quản lí biến động của tỷ giá như các tuyên bố của chính quyền, việc kiểm soát vốn đối với các công ty và cá nhân và phát hành tín phiếu bằng đồng nhân dân tệ ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát trên giống như con dao hai lưỡi. Những biện pháp này giúp Bắc Kinh ngăn chặn tình trạng mất giá đồng tiền, song cũng đảo lộn kế hoạch của chính phủ trong việc đưa đồng nhân dân tệ thực sự trở thành một đồng tiền quốc tế.
Mặc dù Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa nhân dân tệ vào danh sách các đồng tiền dự trữ chính thức vào năm 2016, tỉ trọng của đồng tiền này trong dự trữ của các ngân hàng trung ương vẫn còn rất nhỏ.
Dù vậy, cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng nhân dân tệ vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Đồng nhân dân tệ từng chứng kiến mức sụt giảm trong ngày lớn nhất trong 4 năm sau những động thái đe dọa áp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2019.
Tháng 5 năm nay, đồng tiền nãy đã tiến gần đến mức thấp nhất trong một thập kỉ sau khi chính quyền Trump tăng cường chỉ trích Bắc Kinh về việc xử lí COVID-19. Theo ước tính trung bình một cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà phân tích kì vọng tỷ giá hối đoái kết thúc năm nay sẽ giảm 0,7% ở mức 7 CNY/USD.