Giá vàng tăng cao khi nhà đầu tư mất niềm tin vào đồng USD
Vàng đầu tư hút khách trong khi nhu cầu vàng trang sức giảm mạnh
Theo Nikkei Asian Review, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc đã giảm 52% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kì năm ngoái.
Đối với người Trung Quốc, vàng là biểu tượng của sự giàu có và địa vị, tuy nhiên đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến nhu cầu mua sắm vàng trang sức không còn được ưu tiên.
Ngay cả trong tháng 5, sau khi Trung Quốc gỡ bỏ lệnh phong tỏa, tỉ lệ thất nghiệp vẫn tăng ở 31 tỉnh thành trên khắp cả nước, khiến tiêu dùng giảm.
Tại Ấn Độ, nhu cầu vàng trang sức trong nửa đầu năm 2020 giảm đến 60% so với cùng kì năm ngoái. Tại đây, tỉ lệ thất nghiệp cũng gia tăng trong khi tiêu dùng giảm, khiến người dân không có khả năng mua trang sức.
Trong khi nhu cầu vàng trang sức giảm thì dòng vốn lại ào ạt đổ vào vàng đầu tư trên các thị trường giao dịch. Tại New York, giá vàng giao sau đã vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce vào đầu tháng 8.
Trong giai đoạn tháng 1 - 7/2020, các quĩ ETF vàng ghi nhận dòng vốn đổ vào là 49,1 tỉ USD, trong đó 95% dòng tiền đến từ các quĩ ở phương Tây.
Nikkei Asian Review dẫn lời các nhà phân tích của Bank of America dự báo giá vàng có thể đạt ngưỡng 3.000 USD/ounce trong vòng 18 tháng tới.
Độ tin cậy của đồng USD sụt giảm
Hồi tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố chương trình nới lỏng định lượng mới và bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như trái phiếu chính phủ Mỹ. Ngoài ra, Fed còn cung cấp đồng bạc xanh cho các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới thông qua các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ.
Kết quả là Fed đang in một lượng lớn đồng USD. Lượng tiền cơ sở (monetary base), tức tổng lượng tiền ngân hàng trung ương in ra, đã đạt hơn 5.000 tỉ USD trong tháng 5, tăng 50% so với tháng 2.
Tổng lượng tiền cơ sở và lượng USD mà ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nắm giữ trong kho dự trữ của mình đạt mức cao mới 8 tỉ USD trong tháng 5.
Dù đại dịch COVID-19 cho thấy USD không mất đi vị thế đồng tiền dự trữ của mình, các thị trường tài chính lại đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của đồng bạc xanh này.
Nhà kinh tế Naokazu Koshimizu của công ty môi giới Nomura Securities cho hay: "Giá vàng tăng vì giá trị của đồng USD đang giảm xuống".
Khi nguồn cung USD tăng lên, giá trị của đồng USD trên thị trường ngoại hối sẽ giảm. Từ tháng 7, chỉ số USD Index đã giảm đáng kể, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018 và lao dốc hơn 30% so với hồi tháng 3 năm nay.
Trước đại dịch COVID-19, thị trường tài chính kì vọng chính phủ và các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa.
Tại Mỹ, nhà đầu tư dự đoán chính phủ sẽ tiếp tục chi tiêu ngân sách mạnh tay và phát hành thêm trái phiếu. Điều này yêu cầu Fed phải tiếp tục mua lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng nghĩa với việc in thêm đồng USD.
Lợi suất trái phiếu kì hạn 10 năm hiện đang ở mức 0,5%, con số thấp nhất từ trước đến nay, trong khi vàng tăng giá.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang tái bùng phát ở một số khu vực tại châu Á và châu Âu, khiến nền kinh tế toàn cầu thêm trì trệ và khiến những hành động của Fed lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư và giới phân tích đều đang băn khoăn rằng liệu chương trình nới lỏng định lượng mạnh tay của Fed có gây ảnh hưởng đến độ tin cậy của đồng USD. Theo nhà kinh tế Takehiro Noguchi của Viện Nghiên cứu Mizuho, thị trường tài chính đang gửi đi thông điệp rằng rủi ro đang ở quanh đây.