|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 7/2 - 11/2: Đổ dồn vào số liệu lạm phát của Mỹ và nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine

06:40 | 07/02/2022
Chia sẻ
Trong tuần này, bên cạnh số liệu lạm phát mới nhất của nền kinh tế Mỹ, các nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:

1. Báo cáo lạm phát của Mỹ

Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 1 vừa qua, thị trường lao động trong nước đã tạo thêm 467.000 việc làm. Tổng số việc làm tạo mới trong năm 2021 được điều chỉnh lên thành gần 6,67 triệu, cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tháng 1 năm nay là 4%, tương đương với tháng 1/2019. Số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ đã khiến các nhà phân tích từng cảnh báo biến chủng Omicron có thể gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh tế hết sức kinh ngạc.

Báo cáo việc làm tháng 1 còn là một lời nhắc nhở rằng đại dịch COVID-19 không còn là mối lo ngại lớn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giờ đây, mọi con mắt đang đổ dồn vào số liệu lạm phát.

Theo Investing.com, ngày 10/2 tới, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Các nhà kinh tế dự đoán chỉ số CPI tháng 1 sẽ nhích khoảng 0,5% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, chỉ số CPI cốt lõi tháng 1 (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) cũng được dự đoán tăng 0,5% so với tháng trước và cao hơn 5,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong bối cảnh thị trường lao động tăng trưởng ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang rục rịch tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát, các số liệu CPI mới nhất được cho là sẽ có sức nặng đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư.

Chia sẻ tại cuộc họp chính sách hồi tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay: "Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có ý định nâng lãi suất quỹ của Fed tại cuộc họp tháng 3 nếu điều kiện cho phép. Tôi nghĩ Fed có đủ dư địa để nâng lãi suất mà không gây hại cho thị trường lao động".

Khá nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ nâng lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản vào tháng 3 và sau đó tăng lãi suất thêm khoảng ba lần trong năm nay.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 7/2 - 11/2: Đổ dồn vào số liệu lạm phát của Mỹ và nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Quan chức cấp cao tại Washington cho biết Nga đã sẵn sàng 70% quân để tấn công Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) liên tục khẳng định Moscow không có ý định động binh. (Ảnh: Reuters).

2. Xung đột Nga - Ukraine

Nga, Ukraine và phương Tây sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao cũng như điều động binh lính trong tuần này.

Cụ thể, Reuters đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ sang thăm Nga để thảo luận cùng Tổng thống Vladimir Putin trong hai ngày 7 - 8/2. Còn theo tờ Washington Post, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ tổ chức họp trực tuyến cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 7/2.

Các động thái ngoại giao giữa phương Tây và Moscow diễn ra trong bối cảnh một số quan chức chính quyền ông Biden cho biết Nga đã sẵn sàng 70% lực lượng để tấn công Ukraine, dù trên thực tế Washington chưa xác thực về quyết định cuối cùng của Moscow.

Trên mặt trận quân sự, trong khi Nga đã bố trí hơn 100.000 binh lính dọc biên giới với Ukraine cũng như đem vũ khí đến Belarus, thì Mỹ đang triển khai 3.000 quân đến Đông Âu để răn đe Điện Kremlin.

Giờ đây, khả năng Nga và Ukraine xảy ra xung đột địa chính trị là rất lớn. Trong vài ngày tới, các nhà đầu tư sẽ rất quan tâm đến giá dầu, giá khí đốt tự nhiên cũng như giá của một số kim loại công nghiệp như nickel, cobalt.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch cuối cùng trước, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã leo lên gần 95 USD/thùng, xác lập mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Các nhà phân tích hàng hóa cảnh báo giá dầu có thể tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng nếu Nga thực sự động binh.

3. Tiền ảo bật dậy

Sau khi bốc hơi gần 20% trong tháng 1 năm nay cũng như mất hơn 50% so với mức đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái, giá bitcoin đã phục hồi gần 8% trong vài ngày đầu tháng 2. Giá của đồng ethereum cũng đã tăng gần 12% sau nhiều phiên đỏ lửa.

Như mọi khi, câu hỏi đặt ra bây giờ là động lực nào sẽ giúp thị trường tiền ảo tăng giá trong thời gian tới sau khi liên tục giảm điểm mạnh vài tuần qua.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh bitcoin đang được nhà đầu tư coi là hàng rào phòng ngừa lạm phát, báo cáo lạm phát tuần này của Mỹ có thể là chất xúc tác để giá của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới tăng cao hơn nữa.

Khả Nhân

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.