|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed đánh thức dòng tiền lớn trên thị trường chứng khoán: Không còn chuyện ngược đời như GameStop, Hertz

07:37 | 06/02/2022
Chia sẻ
Các nhà đầu tư tổ chức đang phản công trên thị trường cổ phiếu, chấm dứt thời kỳ thống trị ngắn ngủi và kỳ quặc của các nhà đầu tư cá nhân, nghiệp dư.

Bloomberg dẫn lời nhà phân tích cấu trúc thị trường kỳ cựu Larry Tabb cho biết dòng tiền lớn đã quay trở lại vị trí chi phối trên thị trường chứng khoán Mỹ, bằng chứng là khối lượng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và giá trị cổ phiếu sang tay mỗi ngày đều đang tăng nhanh.

Dữ liệu của Morgan Stanley cho thấy các tập đoàn đầu tư lớn đang gia tăng áp lực trên thị trường hợp đồng tương lai, còn số liệu của các nhà môi giới chủ chốt thể hiện hoạt động xả hàng của các quỹ đầu cơ đã dẫn tới đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ đầu năm nay.

Fed đánh thức dòng tiền lớn trên thị trường chứng khoán: Không còn chuyện ngược đời như GameStop, Hertz - Ảnh 1.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu trong những tuần đầu năm 2022.

Sự thay đổi trong động thái của dòng tiền lớn này vừa là nguyên nhân lại vừa là kết quả của sự chuyển dịch trong biến động thị trường. Nhà đầu tư tổ chức lo ngại chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên đồng loạt cơ cấu lại danh mục. 

Theo chuyên gia Larry Tabb, tình hình thị trường hiện nay không còn phù hợp cho đội quân nhà đầu tư nhỏ lẻ giao dịch trong ngày (day trader) từng làm mưa làm gió hồi năm ngoái.

"Nếu biến động thị trường duy trì ở mức cao, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ yếu thế. Và tôi sẵn sàng đặt cược rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục biến động mạnh trong cả năm nay", ông Tabb cho hay. "Nếu không xảy ra một hiện tượng cổ phiếu meme nào nữa thì các nhà đầu tư tổ chức sẽ chi phối dòng tiền trên thị trường".

Trong một thị trường mà các định chế tài chính lớn làm chủ cuộc chơi, các thước đo truyền thống như báo cáo lợi nhuận, chỉ số định giá và dự báo kết quả kinh doanh sẽ có tác động tới giá cổ phiếu nhiều hơn là các yếu tố có phần "dân túy" như bài đăng trên mạng xã hội Reddit hay TikTok tung hô các cổ phiếu như GameStop, AMC.

Khi dòng tiền lớn thống trị, các doanh nghiệp bên bờ vực phá sản như hãng cho thuê xe Hertz Global sẽ không thể huy động được hàng tỷ USD thông qua chào bán cổ phiếu như đã làm trong đại dịch.

Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nghiệp dư đã giảm đi rất nhiều, từ mức đỉnh 24% trong quý I/2021 xuống còn khoảng 18% hiện nay, theo Larry Tabb và các chuyên gia khác của Bloomberg Intelligence.

Thêm vào đó, giá trị giao dịch hàng ngày đang tăng nhanh hơn số cổ phiếu được giao dịch, cho thấy dòng tiền đang do các định chế khổng lồ thống trị.

Fed đánh thức dòng tiền lớn trên thị trường chứng khoán: Không còn chuyện ngược đời như GameStop, Hertz - Ảnh 3.

Các tổ chức lớn thường mua bán những cổ phiếu có giá cao (vài trăm hoặc vài nghìn USD mỗi đơn vị) và vốn hóa lớn, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ thường thích các cổ phiếu có giá thấp, vốn hóa nhỏ.

Tay to xả, nhỏ lẻ mua

Tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân giảm xuống nhưng dòng tiền thì vẫn cứ tiếp tục đổ vào. Theo thống kê của Morgan Stanley, trong tháng 1, các NĐT nhỏ lẻ mua ròng 41 tỷ USD cổ phiếu.

Ở phía bên kia chiến tuyến là các định chế tài chính lớn đang tái cơ cấu danh mục vì lo ngại Fed sắp nâng lãi suất và giảm cung tiền. Các quỹ đầu cơ tiếp tục xả cổ phiếu, những người giao dịch theo xu hướng cũng góp mặt và đẩy chỉ số thị trường thủng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Số liệu của Morgan Stanley cho thấy những nhà quản lý đầu tư theo tình hình kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường đã bán ra khoảng 43 tỷ USD trong tháng qua, dư sức triệt tiêu lực mua của NĐT nhỏ lẻ.

Diễn biến này là "ví dụ điển hình cho thấy áp lực của định chế tài chính trên thị trường", các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định. "Phe nhỏ lẻ có thể góp sức gây ra một số biến động thị trường nhưng dòng tiền lớn đang dần trở thành một lực lượng đáng gờm hơn".

Fed đánh thức dòng tiền lớn trên thị trường chứng khoán: Không còn chuyện ngược đời như GameStop, Hertz - Ảnh 4.

Phiên thứ Sáu vừa qua (4/2), các quỹ đầu tư vĩ mô đã phải bán 4 tỷ USD hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 trong vòng 45 phút giao dịch cuối buổi chiều, đây có thể là nhân tố khiến thị trường hụt hơi cuối phiên. Nhóm quỹ này được dự báo sẽ bán ra khoảng 10-20 tỷ USD cổ phiếu trong tuần tới khi các chỉ số liên tục biến động mạnh.

Song Ngọc