|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tạm biệt kỷ nguyên tiền rẻ: Hàng loạt ngân hàng trung ương đã và sắp nâng lãi suất

20:47 | 06/02/2022
Chia sẻ
Kỷ nguyên tiền rẻ đang đi đến hồi kết khi hàng loạt ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ghìm cương giá cả. Giờ đây, lạm phát bị cho là kẻ thù nguy hiểm hơn những thiệt hại kinh tế mà COVID-19 gây ra.
Tạm biệt kỷ nguyên tiền rẻ: Hàng loạt ngân hàng trung ương đã và sắp nâng lãi suất - Ảnh 1.

Các ngân hàng trung ương ồ ạt in tiền và hạ lãi suất trong đại dịch. Các chính sách này đang dần bị đảo ngược. (Ảnh minh họa: Reuters).

Làn sóng nâng lãi suất đang lan rộng

Hai năm sau khi đại dịch đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái trầm trọng nhưng ngắn ngủi, nhiều ngân hàng trung ương đang rút bớt các gói hỗ trợ khẩn cấp. Tốc độ đảo ngược chính sách hiện nay còn nhanh hơn nhiều so với tiên liệu của các quan chức hoặc đa phần nhà đầu tư.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất lần đầu vào tháng 3 và có thể thêm 4 lần nữa trong năm nay. 

Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế số 1 thế giới tạo ra thêm 467.000 việc làm trong tháng 1, cao hơn nhiều so với con số 155.000 mà các chuyên gia của Dow Jones dự báo. Tổng số việc làm tạo mới trong năm 2021 được điều chỉnh lên thành gần 6,67 triệu, cao chưa từng thấy trong lịch sử. 

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 1 năm nay là 4%, tương đương với tháng 1/2019. Thị trường lao động diễn biến khả quan càng cho Fed thêm lý do để thắt chặt tiền tệ mà không cần quá lo lắng về tác động tiêu cực tới tình hình việc làm.

Tạm biệt kỷ nguyên tiền rẻ: Hàng loạt ngân hàng trung ương đã và sắp nâng lãi suất - Ảnh 2.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất trong hai cuộc họp liên tiếp gần đây, và một số quan chức còn muốn hành động mạnh tay hơn nữa. Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Canada dự định sẽ nâng lãi suất vào tuần sau. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng có thể sẽ hành động trong năm nay.

Lãi suất tăng lên do các nhà hoạch định chính sách cho rằng lạm phát là mối hiểm họa lớn hơn thiệt hại kinh tế mà COVID-19 gây ra. Một số chuyên gia cho rằng các ngân hàng trung ương đã quá muộn màng trong việc đánh giá đúng nguy cơ của lạm phát. 

Một số khác lại lo ngại rằng chính sách diều hâu (thắt chặt tiền tệ) có thể làm chậm quá trình hồi phục kinh tế mà không giúp ích gì mấy trong cuộc chiến chống giá cả leo thang vì nguyên nhân gây lạm phát đến từ phía cung chứ không phải phía cầu. 

Một vài nền kinh tế lớn không đi theo con đường thắt chặt tiền tệ mà đa số đang thực thi.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang làm hoàn toàn ngược lại, tức là giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng trong bối cảnh COVID-19 đang lan rộng và khu vực bất động sản lâm vào suy thoái.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được kỳ vọng sẽ giữ nguyên chính sách trong năm nay, mặc dù nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi cơ quan này sẽ đứng vững được bao lâu.

Ở các thị trường mới nổi, nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong những tuần đầu năm nay và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Vừa tuần trước, Brazil nâng lãi suất thêm 1,5 điểm % lần thứ 3 liên tiếp. Czech cũng mới nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất Liên minh châu Âu (EU). Nga, Ba Lan, Mexico và Peru có thể sẽ tăng cường chiến dịch thắt chặt tiền tệ trong tuần tới.

Tạm biệt kỷ nguyên tiền rẻ: Hàng loạt ngân hàng trung ương đã và sắp nâng lãi suất - Ảnh 4.

Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase ước tính rằng đến tháng 4 tới đây, lãi suất sẽ tăng ở những quốc gia chiếm tổng cộng khoảng một nửa GDP toàn cầu. Hiện nay, các nước đã nâng lãi suất mới chiếm khoảng 5% GDP thế giới. JPMorgan kỳ vọng lãi suất trung bình toàn cầu cuối năm nay là 2%, tương đương mức trước dịch.

Tất cả những con số này báo hiệu 2022 sẽ là năm thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 1990. Các ngân hàng trung ương không chỉ nâng lãi suất mà còn chấm dứt cả các chương trình bơm tiền thông qua mua trái phiếu, thậm chí là sẽ bán trái phiếu ra để hút tiền về.

Bloomberg Economics ước tính bảng cân đối kế toán chung của nhóm G7 sẽ lập đỉnh vào giữa năm nay, sau đó bắt đầu đi xuống.

Chuyên gia kinh tế Aditya Bhave của Bank of America nhận định: "Tình thế đã hoàn toàn đảo ngược. Lạm phát toàn cầu lên cao đã thôi thúc ngân hàng trung ương khắp nơi đẩy nhanh tiến độ nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán".

Hành động của các NHTW có thể chấm dứt giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của các thị trường tài chính. Chỉ số cổ phiếu MSCI World Index hiện thấp hơn khoảng 5% so với đầu năm 2022, giá trái phiếu cũng lao dốc khắp nơi, đẩy lợi suất lên cao.

Bóng ma lạm phát

Các NHTW buộc phải mạnh tay thắt chặt vì nguy cơ lạm phát vượt tầm kiểm soát. Có hai nguyên nhân dẫn tới lạm phát, thứ nhất là nhu cầu của nền kinh tế hậu đại dịch lên cao, thứ hai là sự thiếu hụt của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu, và cả lao động.

Chính sách tiền tệ chỉ có thể tác động tới tổng cầu chứ không thể trực tiếp giải quyết tắc nghẽn chuỗi cung ứng nên việc nâng lãi suất và giảm cung tiền chưa chắc đã là lời giải cho bài toán lạm phát.

Tuần tới, Mỹ sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 1/2022, nhiều chuyên gia dự báo giá cả có thể sẽ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ đầu thập niên 1980 trở lại đây. 

Lạm phát của khu vực đồng euro vừa lập đỉnh lịch sử cách đây không lâu.

Tạm biệt kỷ nguyên tiền rẻ: Hàng loạt ngân hàng trung ương đã và sắp nâng lãi suất - Ảnh 6.

Vài tháng trước, đa phần các quan chức NHTW đều không thể ngờ tình hình lại thành ra thế này. Trong phần lớn thời gian của năm 2021, nhiều người tin rằng áp lực tăng giá chỉ là "tạm thời". Sự hồi phục trên thị trường lao động được đón nhận nồng nhiệt trong khi những hồi chuông cảnh báo về lạm phát bị bỏ ngoài tai.

Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách đã xác định được rằng lạm phát thực chất rất dai dẳng và nếu để muộn, tình hình có thể biến thành một vòng lặp nguy hiểm khi giá tăng thúc đẩy lương tăng rồi lại khiến giá tăng, dẫn tới lương tăng, ... 

Bằng cách hành động ngay lúc này, các quan chức hy vọng có thể giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm" chứ không sụp đổ vì cuộc chiến chống lạm phát. 

Đức Quyền