|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗi đau của thị trường không đủ để ngăn cản Fed thắt chặt chính sách

13:54 | 25/01/2022
Chia sẻ
Sự sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ có thể khiến nhà đầu tư dựng tóc gáy, nhưng khó có thể khiến các quan chức Cục dự trữ liên bang (Fed) sợ đến mức đổi hướng chính sách hiện tại.
Nỗi đau của thị trường không đủ để ngăn cản Fed thắt chặt chính sách - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images/Marketwatch).

Fed có thể sẽ còn nói cứng hơn nữa trong trong cuộc họp tuần này. Goldman Sachs và Bank of America đều nhận định ngày càng có nhiều khả năng Fed sẽ "diều hâu" hơn, tức là gia tăng nguy cơ sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất và những biện pháp khác để đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng nhất trong lịch sử Mỹ.

Tâm lý này đang lan rộng và khiến nhà đầu tư định giá lại thị trường chứng khoán Mỹ từng liên tục lập đỉnh nhưng lại đột ngột ngoặt sang hướng khác trong 2022.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group lý giải: "Chỉ số S&P 500 giảm 10%. Nhưng con số này không đủ để Fed chùn bước. Họ phải thể hiện mình đáng tin cậy trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhún nhường thị trường quá nhanh trong khi chưa làm được gì với lạm phát sẽ khiến Fed bị xấu mặt".

Trong hai tháng qua Fed đã thay đổi mạnh quan điểm về lạm phát, vốn đang ở gần mức cao nhất trong 40 năm.

Trong phần lớn năm 2021, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ gọi giá cả tăng nhanh chỉ là hiện tượng "tạm thời" và cam kết giữ mốc chi phí vay ngắn hạn gần 0 cho đến khi đạt được toàn dụng lao động. Nhưng đến khi lạm phát tỏ ra dai dẳng và căng thẳng hơn dự báo của Fed, các nhà hoạch định chính sách cho biết sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 và thắt chặt van tiền.

Nỗi đau của thị trường không đủ để ngăn cản Fed thắt chặt chính sách - Ảnh 1.

Tuy chứng khoán Mỹ đã có thể trông chờ vào Fed nới lỏng chính sách trong những lần thị trường điều chỉnh trước đây, nhưng Fed đang quyết tâm dập lạm phát và được cho là ít có khả năng sẽ can thiệp và ngăn thị trường "đổ máu".

"Bản chất xoay vòng của chính sách tiền tệ là đẩy giá tài sản lên cao khi được nới lỏng và giá tài sản giảm khi hỗ trợ bị rút bớt. Điểm khác biệt lần này là lãi suất hiện bằng 0 còn lạm phát thì lên tới 7%. Do đó Fed chỉ còn cách phản ứng. Hiện tại, Fed chưa định nhượng bộ cho thị trường vội", Giám đốc Boockvar nói thêm. 

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, cơ quan ấn định lãi suất, sẽ họp trong hai ngày 25-26/1.

So sánh với 2018

Theo CNBC, Fed từng không ít lần đảo ngược hướng đi khi thấy thị trường hỗn loạn. Gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách đổi ý sau khi chuỗi tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2018. 

Lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc vì Fed thắt chặt chính sách đã dẫn tới cuộc biến loạn Giáng sinh tồi tệ nhất lịch sử trong năm đó. Năm kế tiếp thị trường chứng kiến Fed liên tiếp giảm lãi suất để trấn an nhà đầu tư.

Nhưng ngoài lạm phát thì thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay và 2018 vẫn còn nhiều điểm khác biệt. DataTrek Research so sánh tháng 12/2018 với tháng 1/2022 và chỉ ra một khác biệt chính: 

Tháng 12/2018Hiện tại
Chỉ số S&P 500 mất 14,8%Chỉ số S&P 500 giảm 8,3% (tính đến kết phiên 21/1)
Chỉ số Dow Jones trượt dốc 14,7%Chỉ số Dow Jones sụt 6,9%
Chỉ số đo lường sự sợ hãi VIX đạt đỉnh 36,1Chỉ số VIX đạt 28,9
Chênh lệch lợi suất trái phiếu hạng đầu tư là 159 điểm cơ bản (1,59 điểm %)Chênh lệch lợi suất trái phiếu hạng đầu tư là 100 điểm cơ bản
Chênh lệch lợi suất trái phiếu rác là 533 điểm cơ bảnChênh lệch lợi suất trái phiếu rác là 310 điểm cơ bản

Ông Nick Colas, nhà sáng lập DataTrek viết trong lưu ý: "Bất kỳ thước đo nào mà Fed dùng để đánh giá căng thẳng thị trường vốn cũng đều cho thấy chúng ta còn cách xa mức khiến Fed phải cân nhắc lại lập trường chính sách hồi năm 2018".

"Nói cách khác: Trước khi tài sản rủi ro bị bán tháo mạnh hơn nữa, Fed sẽ không ngại rằng tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán trong 2022 có nhiều khả năng gây ra suy thoái thay vì một cuộc hạ cánh cứng".

Phản ứng của thị trường ngày 24/1 càng làm tăng thêm giông tố cho nhà đầu tư. Các chỉ số chứng khoán chính có lúc giảm sâu hơn 3%, nhóm công nghệ nhạy cảm với lãi suất thuộc Nasdaq bị vùi dập mạnh nhất.

Tuy nhiên, lưu ý chung của các chuyên gia của Bank of America và nhiều nhà kinh tế vẫn khẳng định rằng Fed khó mà đổi ý.

"Mọi cuộc họp đều nóng sốt"

Bank of America kỳ vọng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ ra hiệu rằng "mọi cuộc họp đều nóng sốt" dù là về tăng lãi suất hay các biện pháp thắt chặt bổ sung. Thị trường đang phản ánh vào giá ít nhất 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Goldman Sachs cho rằng Fed có thể tăng lãi trong mỗi cuộc họp kể từ tháng 3 nếu lạm phát không suy giảm.

Tuy ít có khả năng Fed sẽ đặt ra kế hoạch cụ thể, nhưng cả Bank of America và Goldman Sachs đều dự kiến ngân hàng trung ương hướng đến chấm dứt chương trình mua tài sản trong một hoặc hai tháng sau. Quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra từ khoảng giữa năm.

Tuy thị trường đã dự kiến rằng chương trình mua tài sản sẽ chấm dứt hoàn toàn vào tháng 3, Bank of America nhận định có khả năng chương trình này bị ngưng vào tháng 1 hoặc 2. Điều này có thể phát đi tín hiệu quan trọng về lãi suất.

"Chúng tôi tin chương trình mua tài sản bị kết thúc sớm hơn dự kiến sẽ khiến thị trường bất ngờ và báo hiệu rằng Fed còn "diều hâu" hơn những gì chúng ta tưởng", đội ngũ nghiên cứu của ngân hàng viết trong lưu ý. "Thông báo kết thúc mua tài sản ngay trong cuộc họp sắp tới sẽ tăng cường khả năng lãi suất tăng 0,5 điểm % vào tháng 3 và thêm 0,5 điểm % nữa vào tháng 5".

Theo CNBC, thị trường đã phản ánh vào giá 4 lần Fed tăng lãi suất 0,25 điểm % trong năm nay và thậm chí còn hướng đến lần thứ 5 trước khi hạ thấp nguy cơ này trong phiên 24/1.

Lưu ý viết thêm rằng thị trường lo ngại về lạm phát "vẫn sẽ ép buộc Fed phải tăng thêm lãi suất trong năm nay, và chúng tôi cho rằng Chủ tịch Powell sẽ không chống cự lại".

Nỗi đau của thị trường không đủ để ngăn cản Fed thắt chặt chính sách - Ảnh 3.

Giám đốc Boockvar cho rằng tình hình hiện tại là kết quả từ sự thất bại của chính sách Fed áp dụng vào năm 2020 là "nhắm mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt", tức là coi việc làm là ưu tiên quan trọng hơn lạm phát.

Tốc độ lạm phát ở Mỹ gia tăng đang gợi liên tưởng tới giai đoạn cuối 1970-đầu 1980, thời kỳ chính sách tiền tệ dễ dàng.

Ông Boockvar mỉa mai: "Fed không thể in việc làm như in tiền, nên họ sẽ không thể bắt nhà hàng thuê nhân viên. So đó ý tưởng rằng bằng cách nào đó Fed có thể tác động lên việc làm rõ là chỉ được cái mã bề ngoài, ít nhất là trong ngắn hạn. Xem ra Fed đã quên rất nhiều bài học từ những năm 1970".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.