Giám đốc IMF: Fed tăng lãi suất là 'tạt gáo nước lạnh' vào nền kinh tế chung
Gáo nước lạnh từ Fed
Chia sẻ tại sự kiện trực tuyến The Davos Agenda hôm 21/1, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ có thể tác động đáng kể đến các quốc gia có mức nợ bằng đồng USD cao. Tóm lại, động thái tăng lãi suất của Fed có thể "tạt gáo nước lạnh" vào quá trình phục hồi của một số quốc gia, bà Georgieva nhấn mạnh.
Do đó, Giám đốc IMF gợi ý Fed cần phải truyền đạt rõ ràng đường lối chính sách của họ để chính phủ các nước không bất ngờ. Lãi suất tại Mỹ cao hơn có thể khiến một số quốc gia gặp khó khăn khi xoay xở khối nợ tính theo đồng bạc xanh.
Theo dự kiến, trong năm nay, Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 3 - 5 lần tùy thuộc vào tình hình lạm phát, đồng thời sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán ngay sau khi hoàn thành việc nâng lãi suất.
Tại một cuộc thảo luận khác, bà Georgieva cho biết thông điệp của IMF đối với các nước có khối nợ bằng đồng USD cao như sau: "Hãy hành động ngay bây giờ. Nếu các bạn có thể nới thời gian đáo hạn, hãy làm đi. Nếu bị mất cân xứng tiền tệ (currency mismatch), bạn cần giải quyết vấn đề ngay lúc này".
Đồng thời, vị giám đốc nói thêm rằng lo ngại lớn nhất của bà bây giờ là đối với các nước thu nhập thấp nhưng có khối nợ cao, 2/3 đang lâm vào cảnh "túng quẫn" hoặc có nguy cơ vỡ nợ. Tỷ lệ này hiện cao gấp đôi so với năm 2015.
"Mất một phần động lực"
IMF dự đoán đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục, nhưng Giám đốc Georgieva nhấn mạnh rằng quá trình này đã "mất một phần động lực". Vì vậy, bà cho rằng giải pháp cho năm nay là các nhà hoạch định chính sách phải thật linh hoạt.
"2022 giống như một năm vượt chướng ngại vật", bà Georgieva nói, đồng thời liệt kê một số rủi ro như lạm phát tăng cao, đại dịch COVID-19 chưa dứt và khối nợ phình to.
Hồi tháng 12 năm ngoái, IMF cảnh báo rằng khối nợ toàn cầu đã chạm mức 226 nghìn tỷ USD vào năm 2020 - mức tăng mạnh nhất trong một năm kể từ Thế chiến II.
Liên quan tới lạm phát, Giám đốc Georgieva nhấn mạnh rằng vấn đề này là đặc thù theo từng quốc gia. Giá cả hàng hóa đang tăng với tốc độ đáng kinh ngạc ở một số khu vực: lạm phát ở khu vực đồng euro đã leo lên mức cao kỷ lục 5% vào tháng 12/2021, lạm phát ở Anh chạm đỉnh 30 năm và ở Mỹ lập đỉnh gần 40 năm trong cùng tháng.
"Tính đặc thù theo từng quốc gia là điều khiến năm 2022 sẽ chông gai hơn năm 2020", CNBC dẫn lời Giám đốc Kristalina Georgieva bày tỏ.
"Năm 2020, chúng ta áp dụng chính sách tương tự nhau ở khắp nơi vì chúng ta đang phải chiến đấu với cùng một vấn đề, chính là nền kinh tế đang rơi vào bế tắc. Sang năm 2022, điều kiện vĩ mô ở các nước rất khác nhau, cho nên chúng ta không thể áp dụng cùng bộ khung chính sách…", vị giám đốc giải thích.