|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua nhiều phiên giông bão, ngoài Fed còn những lý do nào khác?

07:32 | 25/01/2022
Chia sẻ
Nguy cơ Fed rút hàng trăm tỷ USD thanh khoản ra khỏi thị trường chứng khoán đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Tình hình căng thẳng ở Trung Đông và Nga-Ukraine cũng khiến thị trường thêm tiêu cực.

Trong cả 4 phiên giao dịch của tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ đều đi xuống. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 7,6%, mức giảm theo tuần nghiêm trọng nhất kể từ tháng 10/2020. Cả S&P 500 và Nasdaq cũng vừa ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Bước sang phiên đầu tuần 24/1, cả ba chỉ số tiếp tục diễn biến tiêu cực trước khi hồi phục. Nasdaq có lúc sụt 4,8%, Dow Jones mất 3,2%, S&P 500 có thời điểm rơi vào vùng điều chỉnh rồi sau đó đảo chiều đi lên.

Hiện nay, Nasdaq vẫn còn kém 13,7% so với mức đỉnh hồi tháng 11/2021, tức là đang chìm sâu trong vùng điều chỉnh. S&P 500 đang thấp hơn đỉnh khoảng 8%, Dow Jones cũng kém khoảng 6,6%. Vậy chuyện gì đang diễn ra?

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua nhiều phiên giông bão, ngoài Fed còn những lý do nào khác? - Ảnh 1.

Chính sách tiền tệ mới, căng thẳng địa chính trị

Theo MarketWatch, các chỉ số chứng khoán Mỹ đang được định giá lại từ mức cao thiếu bền vững trước đó, trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn chính sách tiền tệ mới nhằm ứng phó với đại dịch và lạm phát tăng vọt.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra tín hiệu sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 để kiềm chế lạm phát đã lên cao tới mức 7% trong tháng 12/2021. Đợt tăng lãi suất đầu tiên dự kiến bắt đầu vào tháng 3.

Tuy nhiên, thị trường tài chính và nhiều chuyên gia đang dự báo Fed có thể sẽ phải nâng lãi suất tới 4 lần hoặc nhiều hơn.

Chứng khoán Mỹ vừa qua một tuần đỏ lửa, ngoài Fed còn những lý do nào khác? - Ảnh 1.

Ngày 22/1, ông David Mericle, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs nói: "Kịch bản cơ sở của chúng tôi là Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần vào tháng 3, 6, 9 và 12. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rủi ro là Fed sẽ thắt chặt tiền tệ trong tất cả cuộc họp của năm nay cho đến khi bức tranh lạm phát thay đổi đáng kể".

Tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase thì nhận định: "Lạm phát có thể còn tồi tệ hơn những gì Fed nghĩ và họ sẽ tăng lãi suất nhiều hơn những gì mọi người đoán. Cá nhân tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Fed chỉ tăng lãi suất 4 lần".

Ngày 25 và 26/1, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ họp phiên đầu tiên của năm 2022. Lãi suất được kỳ vọng sẽ giữ nguyên nhưng các quan chức có thể đưa ra các biện pháp thắt chặt tiền tệ khác.

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua nhiều phiên giông bão, ngoài Fed còn những lý do nào khác? - Ảnh 3.

Bên cạnh câu chuyện lãi suất và lạm phát, thị trường còn đang lo lắng về những biến cố bên ngoài nước Mỹ như quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung, nguy cơ xung đột vũ trang Nga – Ukraine và bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Nga đang tập trung khoảng 100.000 binh sĩ kèm theo vũ khí hạng nặng ở biên giới gần Ukraine. Phương Tây lo ngại chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. 

Mỹ đang rút bớt nhân viên khỏi đại sứ quán ở thủ đô của Ukraine và khuyến nghị công dân rời khỏi đất nước Đông Âu này. Các quan chức Mỹ và châu Âu cũng liên tục chỉ trích Nga và đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt mạnh tay nếu Nga xâm lược Ukraine.

Ở Trung Đông, phiến quân Houthi tuần trước đã dùng tên lửa tấn công thủ đô của Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đáp lại, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu đã không kích vào một nhà tù do Houthi quản lý, làm ít nhất 60 người chết và 200 người bị thương.

Giá dầu tăng vọt lên đỉnh 7 năm sau các động thái quân sự này. Giá dầu WTI của Mỹ hiện ở gần 84 USD/thùng trong khi dầu Brent chuẩn quốc tế là 86 USD/thùng. Nhiều chuyên gia đang dự báo giá dầu có thể vượt qua mốc 100 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ vừa qua một tuần đỏ lửa, ngoài Fed còn những lý do nào khác? - Ảnh 3.

Hàng loạt nhân tố bất ổn khiến cho các chỉ số trên thị trường chứng khoán rơi vào vùng điều chỉnh (giảm hơn 10% so với đỉnh lịch sử) hoặc đang mấp mé. Sự sụt giảm gần đây không phải hiện tượng mới nhưng có thể khiến cho nhiều nhà đầu tư F0 hay thậm chí cả những người dày dạn kinh nghiệm cảm thấy bất an.

Nasdaq vào vùng điều chỉnh từ ngày 19/1 và hiện kém đỉnh khoảng 14%. S&P 500 và Dow Jones cũng có nguy cơ rơi vào vùng điều chỉnh cùng Nasdaq.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 hiện thấp hơn kỷ lục cũ tới 17%, tức là chỉ cần giảm thêm khoảng 3% nữa là chỉ số này sẽ tạm biệt vùng điều chỉnh để bước sang vùng thị trường gấu.

Theo MarketWatch, nhân tố tác động mạnh nhất tới tâm lý nhà đầu tư lúc này vẫn là chính sách tiền tệ của Fed.

Để kiềm chế lạm phát, Fed đã đề ra kế hoạch hành động gồm "ba mũi giáp công" là: Giảm bơm tiền thông qua mua trái phiếu rồi dừng hẳn vào tháng 3; nâng lãi suất từ mức thấp lịch sử 0 – 0,25% hiện nay; và giảm quy mô bảng cân đối kế toán bằng cách bán bớt trái phiếu để hút tiền về.

Cả ba biện pháp này của Fed sẽ hút hàng trăm tỷ USD thanh khoản khỏi thị trường. Thời kỳ tiền rẻ nhờ các gói kích thích tiền tệ và hỗ trợ tài khóa trong đại dịch đang dần đi đến hồi kết.

Chứng khoán Mỹ vừa qua một tuần đỏ lửa, ngoài Fed còn những lý do nào khác? - Ảnh 4.

Fed sắp giảm quy mô bảng cân đối kế toán sau thời kỳ bơm tiền và nới lỏng vì đại dịch.

Những bất định về tăng trưởng kinh tế và triển vọng lãi suất cao hơn trong năm nay đang buộc các nhà đầu tư phải định giá lại cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng, đồng thời khiến dòng tiền rút chạy khỏi các loại tài sản đầu cơ như bitcoin hay Ethereum.

Ông Jay Hatfield, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý quỹ Infrastructure Capital Management nhận xét: "Thanh khoản thừa thãi từ Fed đã giúp bơm thổi giá nhiều loại tài sản, bao gồm cổ phiếu meme, cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ đang làm ăn thua lỗ, SPACs và cả tiền mã hóa".

Ông Hatfield cho rằng việc lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng sốc trong những ngày đầu năm 2022 cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng thanh khoản sẽ bị hút ra khỏi thị trường.

Thị trường lên thang bộ, xuống thang máy: Nhà đầu tư nên làm gì?

Thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong hai năm kể từ hố sâu đại dịch, khiến cho nhiều nhà đầu tư không biết hoặc quên mất rằng giá cổ phiếu cũng có lúc giảm.

Ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, cho rằng đợt suy giảm hiện nay là "diễn biến rất bình thường". Trao đổi với MarketWatch, ông Stovall nói: "Có phải thị trường đang sụp đổ không? Không, đây chỉ là một đợt giảm bình thường. Nghe có vẻ khó tin nhưng thực tế là như vậy".

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua nhiều phiên giông bão, ngoài Fed còn những lý do nào khác? - Ảnh 7.

"Thị trường đang làm việc mà nó thường làm. Thị trường giá lên đi bằng thang bộ, nhưng thị trường giá xuống lại đi bằng thang máy. Hệ quả là rất nhiều người hoảng sợ khi thị trường tụt dốc", ông nói thêm.

Việc nên làm gì trong lúc thị trường đi xuống phụ thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro và khoảng thời gian đầu tư của mỗi người. Nhiều khi, không làm gì là chiến lược tốt nhất, ông Jay Hatfield nhận định.

Ông cũng gợi ý nhà đầu tư xem xét các cổ phiếu mang tính phòng thủ như nhóm tiêu dùng thiết yếu, tiện ích điện nước, và năng lượng. Cổ phiếu ưu đãi cũng là một lựa chọn tốt cho nhà đầu tư muốn phòng ngừa rủi ro biến động mạnh.

Những người trẻ tuổi có thể giữ chặt danh mục nếu như cảm thấy hài lòng với cách phân bổ tài sản hiện tại. Ngược lại, những người lớn tuổi có thể sẽ cần bàn bạc với các chuyên gia tài chính về cách ứng phó với biến động thị trường, tránh cảnh trắng tay khi về hưu.

Thị trường điều chỉnh có thể là cơ hội để tích lũy tài sản nếu nhà đầu tư thận trọng và suy xét thấu đáo.

Song Ngọc