Hàng trăm triệu 'thùng dầu mất tích' có thể đẩy giá dầu vượt 100 USD/thùng
Những thùng dầu đang biến đi đâu? Theo số liệu ước tính mới nhất, lẽ ra thế giới vẫn đang đang ngập trong các kho dự trữ dầu được tích lũy trong đại dịch. Nhưng dữ liệu thực tế về nguồn cung dầu thì lại không cho thấy điều này.
Báo cáo mới nhất Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 19/1 cho thấy nếu số liệu cung-cầu dầu là chính xác, các kho dự trữ dầu của thế giới phải có nhiều hơn 660 triệu thùng so với trước đại dịch – tương đương sản lượng hơn một tháng của Arab Saudi và Nga, hai thành viên lớn nhất OPEC+.
Nhưng tồn kho dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - bao gồm cả kho dự trữ thương mại và do chính phủ kiểm soát – lại kết năm 2021 với số dầu thấp hơn gần 220 triệu thùng so với hai năm trước đó.
Cộng thêm các yếu tố cần đo lường với một số ước đoán – ví dụ như lượng dầu trong các tàu và bể chứa dầu mái nổi trên các khu vực khác ở thế giới – thì khoảng cách giữa tồn kho theo lý thuyết và theo quan sát giảm xuống khoảng 200 triệu thùng, theo Bloomberg. Chênh lệch đó chỉ đủ đáp ứng nhu cầu dầu của toàn thế giới trong hai ngày hoặc cung cấp năng lượng cho Mỹ trong một tuần rưỡi.
Dĩ nhiên sẽ luôn có một số tồn kho dầu không thể đo lường được và chúng ta chỉ có thể phỏng đoán, để cân bằng cung cầu toàn cầu trở nên hợp lý. Báo cáo mới nhất của IEA có đưa ra gợi ý về một số địa điểm của "số dầu mất tích", ví dụ như trong các kho dự trữ dưới lòng đất, nơi mức độ lấp đầy không thể được đo lường từ xa, hoặc trong những đường ống mới cần được lấp đầy trước khi có thể sử dụng; hoặc trong các sản phẩm tinh chế ở những quốc gia không báo cáo mức tồn kho như Trung Quốc.
Nhưng ngày nay quan điểm về những "thùng dầu mất tích" này không còn đủ thuyết phục nữa. Chúng ta đã có khả năng giám sát từ xa đường ống và nhà máy lọc dầu, phân tích hình ảnh vệ tinh của các bể chứa dầu có mái lên xuống khi chúng được đổ vào và rút ra, hệ thống theo dõi tàu bằng thuật toán tiên tiến và sức mạnh tính toán gần như vô hạn.
Lượng dầu Trung Quốc bí mật nhập khẩu từ Iran và Venezuela có thể chiếm một phần nhỏ hoặc lớn số "thùng dầu mất tích". Nếu chúng được đẩy vào các hang động ngầm, nơi tạo nên một phần dự trữ dầu mỏ chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc, thì chúng sẽ chỉ gây áp lực nhỏ lên thị trường dầu mỏ.
Nhưng nỗi lo nghiêm trọng hơn là dầu không được giấu ở đâu hết. Lượng "dầu mất tích" lớn có thể cho thấy ước tính nguồn cung quá lạc quan hay nhu cầu bị đánh giá thấp, hoặc cả hai.
Đo lường cung – cầu dầu vốn là việc khó khăn. Tại hầu hết quốc gia, sản lượng dầu được đo lường thường xuyên và chính xác để tính toán nghĩa vụ thuế, nhưng điều này không có nghĩa là dữ liệu đó được cung cấp cho những tổ chức như IEA.
Sản lượng dầu được công bố rộng rãi có thể không phản ánh chính xác về những gì đang thực sự diễn ra. Không phải ngẫu nhiên mà nhóm nhà sản xuất dầu OPEC+ dùng ước tính sản lượng trung bình từ một loạt nguồn thứ cấp để giám sát việc tuân thủ các mục tiêu sản lượng, thay vì dựa vào số liệu do các nước thành viên cung cấp.
Đo lường nhu cầu thậm chí còn phức tạp hơn vì phải xem xét thêm nhiều quốc gia và một số nước rất chậm chạp trong việc cung cấp thông tin. Không ít lần IEA và các cơ quan khác phải điều chỉnh số liệu nhu cầu quá khứ từ tận vài năm trước.
Ngay cả tại nơi dữ liệu tương đối minh bạch thì chúng cũng không phải luôn chính xác. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ phát hiện rằng vào năm 1998 cơ quan này đã đánh giá quá cao sản lượng trong nước và đánh giá thấp nhu cầu và nhập khẩu. Năm đó, số liệu sản xuất, tiêu thụ và tồn kho dầu toàn cầu khiến 300 triệu thùng dầu bị bỏ qua.
Tuy tồn kho dầu không được báo cáo có thể giải thích cho một số chênh lệch giữa số liệu ước tính và theo quan sát, phần lớn có thể là do nhu cầu bị đánh giá thấp. Và nếu nhu cầu quá khứ bị đánh giá thấp, rất có thể dự báo về nhu cầu trong tương lai cũng có thể quá thấp.
Giá dầu phi mã – tuần trước giá dầu thô lên đỉnh 7 năm – không phản ánh thị trường có tồn kho lớn hơn hai năm trước 660 triệu thùng. Dù dĩ nhiên, giá dầu có lẽ đã được thúc đẩy bởi lo ngại Nga đem quân tới Ukraine và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào UAE.
Hàng loạt nhà phân tích đã ra dự báo giá dầu thô đạt 100 USD/thùng trong năm nay. Nếu hóa ra một lượng lớn "thùng dầu mất tích" thực chất đã bị tiêu thụ, thì điều đó sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa.