|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC: Omicron và chính sách tiền tệ không làm khó nhu cầu dầu thô

12:09 | 20/01/2022
Chia sẻ
Trong báo cáo mới, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu thô toàn cầu. Theo đó, liên minh này tin tưởng nhu cầu sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, bất chấp biến chủng Omicron và kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Hôm 18/1, liên minh OPEC vừa công bố báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng. Đáng chú ý, OPEC vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022, bất chấp sự xuất hiện của siêu biến chủng Omicron và kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nhu cầu dầu thô vẫn vững vàng

Cụ thể, OPEC dự kiến nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 4,15 triệu thùng/ngày, giữ nguyên so với báo cáo tháng trước. Tiêu thụ dầu thô sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý III, cũng tương quan với dự báo tháng 12/2021.

OPEC nhấn mạnh: "Biến chủng Omicron có thể tác động tới nhu cầu dầu thô trong nửa đầu năm qua các biện pháp phong tỏa,…, song các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn rất lạc quan".

Đồng thời, OPEC cho biết việc tăng lãi suất dự kiến của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát có thể không làm giảm triển vọng của thị trường dầu mỏ, dù một số chuyên gia coi đây là một rủi ro cho nhu cầu dầu thô.

Dự kiến, Fed có thể tăng lãi suất vào quý II năm nay, nhưng thời điểm này lại trùng hợp với mùa du lịch, đi lại nhộn nhịp ở bắc bán cầu. Cho nên, nhu cầu dầu thô thực chất có thể tăng lên, OPEC lưu ý thêm.

"Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ không cản trở động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, mà chỉ nhằm mục đích điều chỉnh việc nền kinh tế đang phát triển quá nóng", OPEC nhấn mạnh.

"Nhìn chung, thị trường dầu mỏ vẫn được hỗ trợ tốt trong cả năm 2022", báo cáo kết luận.

OPEC: Omicron và chính sách tiền tệ không làm khó nhu cầu dầu thô - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Hãng tin Reuters còn lưu ý rằng, nếu nhu cầu dầu thô tăng như dự đoán, tổng mức tiêu thụ năm 2022 sẽ vượt mức trước đại dịch. Theo OPEC, trên cơ sở hàng năm, thế giới đã sử dụng hơn 100 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2019.

Báo cáo nêu trên được OPEC công bố trong bối cảnh giá dầu thô vừa leo lên mức đỉnh 7 năm hồi đầu tuần. Nguồn cung bị thắt chặt đã tạo động lực cho đợt tăng giá lần này.

Ghi nhận tại thời điểm 11h20 ngày 20/1 (theo giờ Việt Nam) trên oilprice.com, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 88,32 USD/thùng, giảm nhẹ 0,14% so với đầu phiên; trong khi giá dầu WTI đạt khoảng 87,03 USD/thùng, tăng khoảng 0,08%.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều tín hiệu lạc quan như vậy, không ít nhà phân tích đã đưa ra dự báo giá dầu sẽ tăng cao trong năm nay và năm 2023.

Đơn cử, ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn OANDA, nhấn mạnh: "Giả sử nền kinh tế Trung Quốc không lao dốc, biến chủng Omicron không quá nghiêm trọng và OPEC+ vẫn tăng sản lượng khiêm tốn, rõ ràng có cơ sở để tin giá dầu Brent có thể tăng lên 100 USD/thùng trong quý I".

Trong khi đó, so với mức giá hiện nay, ngân hàng JPMorgan tin tưởng rằng giá dầu Brent sẽ "vượt ngưỡng" 125 USD/thùng trong năm 2022 và nhảy vọt lên ngưỡng 150 USD/thùng vào năm 2023.

Cơ hội để dầu đá phiến Mỹ tăng tốc

Báo cáo cũng nêu rõ, OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) sẽ tiếp tục bơm thêm dầu thô ra thị trường trong năm nay, khi các nước thành viên nới dần mức giảm sản lượng kỷ lục bắt đầu từ năm 2020.

Theo đó, OPEC+ đặt mục tiêu nâng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày, trong đó 10 thành viên OPEC chịu trách nhiệm cho khoảng 253.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, sản lượng thực tế lại thấp hơn do một số nước gặp khó khăn trong việc bơm thêm dầu thô.

Tháng 12 năm ngoái, OPEC chỉ tăng được khoảng 170.000 thùng dầu/ngày, tương đương hơn 65% mục tiêu đề ra. Trong khi sản lượng của Arab Saudi và một số nước tăng thì nguồn cung của Libya và Nigeria đều giảm.

Giới thương nhân đang theo dõi liệu nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ có thể phục hồi khi giá dầu lên cao hơn hay không. Nếu Mỹ sản xuất thêm dầu thô, đây có thể là một cơn gió ngược đối với các nỗ lực hỗ trợ thị trường của OPEC+.

OPEC đã nâng dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong năm 2022 từ 600.000 thùng/ngày lên 670.000 thùng/ngày. Trong khi đó, dự báo nguồn cung từ các nước không thuộc OPEC được giữ nguyên.

Khả Nhân