Liên tiếp những dự báo giá dầu thô lên 90, 100 và thậm chí 125 USD/thùng trong năm nay
Thấp nhất 90 USD, cao nhất 125 USD/thùng
Chia sẻ với Reuters, các nhà phân tích cho rằng sau khi tăng hơn 55% trong năm 2021, giá dầu thô thế giới có thể sẽ tiếp tục bứt phá trong năm nay và đạt các mức đỉnh mới.
Họ nhận thấy, do công suất khai thác của doanh nghiệp bị hạn chế và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đang trên đà đi xuống, giá dầu có thể lên 90 USD/thùng hoặc thậm chí trên 100 USD/thùng.
Cụ thể, liên minh OPEC+ đang dần nới lỏng việc cắt giảm sản lượng mà các nước thành viên thực hiện vào năm 2020 để bảo vệ thị trường trước cú sốc dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất nhỏ không thể nâng nguồn cung lên, trong khi số khác rất cảnh giác về việc bơm dầu quá nhiều giữa lúc dịch bệnh liên tục bùng phát.
Ở diễn biến khác, dù biến chủng Omicron đã khiến số ca nhiễm COVID-19 vượt xa mức đỉnh hồi năm 2020, các nhà phân tích vẫn cho rằng giá dầu sẽ được hỗ trợ bởi chính phủ các nước không muốn khôi phục các biện pháp hạn chế vốn đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu hai năm trước.
Ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn OANDA, nhấn mạnh: "Giả sử nền kinh tế Trung Quốc không lao dốc, biến chủng Omicron không quá nghiêm trọng và OPEC+ vẫn tăng sản lượng khiêm tốn, rõ ràng có cơ sở để tin giá dầu Brent có thể tăng lên 100 USD/thùng trong quý I".
Thận trọng hơn nhà phân tích Jeffrey Halley của OANDA một chút, ngân hàng Morgan Stanley dự đoán giá dầu Brent chuẩn quốc tế sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng trong quý III năm nay.
Morgan Stanley cho rằng, trong kịch bản tồn kho dầu thô cạn kiệt, công suất dự phòng thấp vào nửa cuối năm 2022 cũng như đầu tư vào lĩnh vực dầu khí quá hạn chế, thị trường khó có thể tìm thấy một mức giá phải chăng.
Ở một ghi chú khác hồi đầu tuần này, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết giá dầu có thể tăng tới 30 USD sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) và Bloomberg hạ ước tính công suất của OPEC cho năm 2022 lần lượt là 0,8 triệu thùng/ngày và 1,2 triệu thùng/ngày.
Ghi nhận tại thời điểm 11h40 ngày 13/1 (theo giờ Việt Nam) trên oilprice.com, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đạt khoảng 84,48 USD/thùng - duy trì mức đỉnh hai tháng; còn giá dầu WTI giao dịch ở mức 82,45 USD/thùng.
Do đó, so với mức giá hiện nay, JPMorgan tin tưởng rằng giá dầu Brent sẽ "vượt ngưỡng" 125 USD/thùng trong năm 2022 và nhảy vọt lên ngưỡng 150 USD/thùng vào năm 2023.
Một chút thận trọng
Cùng quan điểm, Phó Giám đốc cấp cao của Rystad Energy, ông Claudio Galimberti cho biết nếu OPEC+ vẫn duy trì lập trường thận trọng và muốn giữ nguồn cung trên thị trường ở mức hiện tại, giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng.
Song, ông Galimberti không coi đây là một kịch bản khả thi vì giá dầu có thể "trong chốc lát" tăng lên 90 USD/thùng, áp lực giảm giá có thể đến từ việc Canada, Na Uy, Brazil và Guyana tăng sản lượng.
Ở diễn biến khác, trong cuộc phỏng vấn cùng Bloomberg, Bộ trường Bộ Năng lượng Oman Mohammed Al Rumhi bày tỏ OPEC+ không muốn giá dầu tăng lên trên mốc 100 USD/thùng.
"Thế giới chưa sẵn sàng cho điều đó", ông Al Rumhi nhấn mạnh.
Giá dầu lên cao cũng làm giá xăng và dầu diesel bật tăng, từ đó khiến áp lực lạm phát phình to. Hiện tượng này là rất nguy hiểm trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy.
Ngược với không khí chung, Standard Chartered chỉ nâng dự báo giá dầu Brent năm nay thêm 8 USD lên 75 USD/thùng và năm 2023 thêm 17 USD lên 77 USD/thùng.
Trong một khảo sát khác do Reuters thực hiện hồi cuối tháng 12, 35 nhà kinh tế và nhà phân tích tin rằng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 73,57 USD/thùng trong năm nay - thấp hơn khoảng 2% so với mức 75,33 USD/thùng đồng thuận vào tháng 11.