'OPEC không muốn giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng'
Tại cuộc họp đầu tháng 1 năm nay, OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) đã quyết định nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 tới, dù trên thực tế mức tăng này đang bị hạn chế bởi tình trạng bất ổn về chính trị và ngân sách của một số nước thành viên.
Trong năm ngoái, giá dầu thô đã bật tăng hơn 50%, đảo ngược hoàn toàn đà suy giảm của năm 2020. Sau quyết định của OPEC+, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã leo trở lại mốc 80 USD/thùng.
Bình luận về động thái mới nhất của OPEC+, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Oman Mohammed Al Rumhi bày tỏ: "Chúng tôi đang rất cẩn trọng, theo rất thị trường. Chúng tôi nghiên cứu động tĩnh của thị trường theo từng tháng".
"Tôi nghĩ mức tăng sản lượng 400.000 thùng là phù hợp vì nhu cầu chỉ đang dần phục hồi và chúng tôi muốn đảm bảo thị trường không tăng quá nóng. OPEC+ không muốn giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng, vì thế giới chưa sẵn sàng cho mức giá này", ông Al Rumhi nói tiếp.
Đà tăng của giá dầu trong thời gian qua đã "đánh động" nhiều nước tiêu thụ nhiên liệu lớn vì điều này gây ra áp lực lạm phát, đe dọa triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ông Al Rumhi cho biết, một phần của vấn đề là do công suất khai thác dầu thô toàn cầu sụt giảm sau khi doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu.
Trong 5 năm qua, các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ rất hạn chế và giờ đây chúng ta phải trả giá cho điều đó, vị bộ trưởng Bộ Năng lượng Oman nhấn mạnh với Bloomberg.
Ngoài việc bị thiếu nguồn vốn đầu tư, giá dầu thô tăng đáng kể còn liên quan đến nội bộ của OPEC+. Tháng trước, liên minh này chỉ bổ sung được phần sản lượng theo kế hoạch do Nigeria và Libya gặp trục trặc về chính trị. Các nước thành viên khác như Angola, Malaysia và ngay cả cả Nga cũng phải vật lộn để tăng nguồn cung.