Mặc biến chủng Omicron hoành hành, OPEC+ vẫn nhất trí bơm thêm dầu thô trong tháng 2
OPEC+ tăng sản lượng giữa sóng Omicron
Kết thúc cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2022, OPEC+ đã quyết định nâng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 tới.
Động thái này đã được thị trường dự đoán từ trước, trong bối cảnh Washington từng nhiều lần gây áp lực buộc liên minh dầu mỏ tăng nguồn cung và chính phủ các nước không ban bố lệnh phong tỏa mới dù biến chủng Omicron đang lây lan mạnh.
Dưới sự dẫn dắt của hai nhà lãnh đạo là Arab Saudi và Nga, OPEC+ đang khôi phục lại sản lượng. Thời điểm tháng 4/2020, OPEC+ đã phải "siết vòi" đến 10 triệu thùng/ngày để ứng phó với cú sốc giá dầu âm và diễn biến dịch bệnh phức tạp.
Chia sẻ với CNBC, ông Herman Wang - biên tập viên phụ trách mảng tin tức về OPEC của S&P Global Platts, nhận xét: "Giá dầu hiện vẫn dao động quanh mức 80 USD/thùng, vẫn cao hơn mức mà Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn".
"Ngoài ra, nếu nhìn vào sự ổn định của thị trường năng lượng trước Omicron cũng như nhận định của OPEC+ về siêu biến chủng mới, bạn sẽ nhận thấy thị trường đang rất lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu thô…", ông Wang tiếp tục.
Điều đó cho thấy, OPEC+ có cơ sở vững chắc để nâng sản lượng trong tháng 2. Hồi đầu tuần này, liên minh dầu mỏ đã công bố một báo cáo, trong đó cho biết tác động của biến chủng Omicron đối với thị trường năng lượng là rất nhẹ và trong thời gian ngắn.
Rủi ro địa chính trị cho dầu mỏ
Trong phiên giao dịch chiều nay theo giờ London, giá dầu Brent giao sau có thời điểm neo ở mức 79,87 USD/thùng, tăng 1,1% so với đầu phiên; còn giá dầu WTI giao sau duy trì quanh mức 76,89 USD/thùng, cao hơn khoảng 1% so với đầu phiên sáng.
Trong năm 2021, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 50%. Hiện tại, các nhà đầu tư năng lượng tin tưởng biến chủng Omicron có thể không nghiêm trọng như lo sợ trước đó của giới chuyên gia.
Song, thị trường dầu mỏ được dự báo là vẫn chịu một số rủi ro địa chính trị trong năm nay. Một số người đang e ngại về tình trạng bế tắc dai dẳng giữa Nga và Ukraine, cũng như về các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và phương Tây.
Đầu tháng 12 năm ngoái, chính phủ Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine vào đầu năm 2022 với lực lượng khoảng 175.000 quân. Điện Kremlin đã phủ nhận và tuyên bố cáo buộc của Mỹ có tính kích động chiến tranh.
Thời điểm đó, Chuẩn tướng Spider Marks, cựu sỹ quan tình báo cấp cao của quân đội Mỹ, nhận định: "Một cuộc xâm lược sẽ xảy ra trong khoảng từ bây giờ đến tháng 1 và 2/2022".
Khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa sẽ biến động cực kỳ dữ dội. Thêm vào đó, hành động quân sự của Điện Kremlin có thể khiến nhiều quốc gia ở các khu vực khác đưa ra các quyết định mạnh bạo tương tự.
Ở diễn biến khác, các cuộc đàm phát xoay quanh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vẫn đang rơi vào bế tắc. Trong vòng đàm phán gần nhất, yêu cầu hàng đầu của phía Iran là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này, trong khi phía Mỹ lại muốn thấy Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận trước tiên.
Trong thời gian tới, phái đoàn các nước sẽ tiếp tục tập hợp để bàn đối sách tháo gỡ vướng mắc. Dù vậy, các chuyên gia chính trị cho rằng phải mất một thời gian dài thì những khúc mắc xoay quanh thỏa thuận hạt nhân Iran mới được gỡ bỏ.
Liên quan đến ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, bà Helima Croft - trưởng bộ phận phân tích hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, nhấn mạnh: "Tôi tin rằng thị trường phải thực sự lưu tâm đến những biến số địa chính trị này".
"…nếu Nga tiến quân vào biên giới với Ukraine, phương Tây sẽ trừng phạt Moscow. Khi đó, rất có thể châu Âu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt sang EU", bà Croft nói thêm.