[Infographic] 20 công ty dầu khí lớn nhất thế giới năm 2021
Năm ngoái, đại dịch COVID-19 từng đánh gục ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu, khiến các công ty dầu khí lớn phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Theo đó, tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu giảm 4,5% so với năm 2019 và riêng nhu cầu dầu thô sụt đến 9%.
Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi hồi tháng 4 cùng năm, giá dầu WTI giao sau thậm chí còn rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử, đồng thời cũng là đợt lao dốc nghiêm trọng nhất trong một ngày kể từ năm 1983.
Hàng loạt tin tức tiêu cực trong năm 2020 khiến các chuyên gia dự đoán nhu cầu dầu khí sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2021, song thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Cú lội ngược dòng
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và mùa đông giá lạnh có thể xuất hiện tại hầu hết khu vực trên toàn cầu.
Theo giới phân tích, việc liên minh OPEC+ hạn chế bơm thêm dầu thô ra thị trường khiến nguồn cung trở nên eo hẹp. Cùng lúc, nhu cầu năng lượng của nhiều nước lại phục hồi mạnh mẽ. Điều này dẫn đến việc các nước phải chật vật thu mua sản phẩm dầu mỏ. Kết quả là, giá dầu đang bật tăng trở về mức trước đại dịch.
Giá dầu WTI chuẩn quốc tế có thời điểm bứt phá lên trên mốc quan trọng là 85 USD/thùng, còn giá dầu WTI tại thị trường Mỹ leo lên hơn 80 USD/thùng, lập mức đỉnh 5 năm.
Dù sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron đã khiến giá dầu thô lao dốc nghiêm trọng trong phiên cuối tuần trước, việc giá nhiên liệu hóa thạch tăng hơn 50% trong năm qua đã đủ để giúp các công ty dầu mỏ hái bộn tiền.
Hồi đầu tháng này, giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ cũng chạm mức cao nhất trong 7 năm là 6,5 USD/mmBTU. Ở một số thị trường khác như châu Âu, giá khí đốt tự nhiên giao sau đã tăng hơn 1.300% kể từ tháng 5/2020.
Visual Capitalist đã sử dụng dữ liệu từ CompaniesMarketCap.com để tìm ra 20 công ty dầu khí lớn nhất thế giới theo vốn hóa, dữ liệu tính đến ngày 7/10/2021.
20 ông lớn trong ngành
20 công ty lọt vào danh sách là các cái tên quen thuộc đối với người tiêu dùng năng lượng trên toàn cầu, Visual Capitalist nhấn mạnh.
Số thứ tự | Tên công ty | Vốn hóa (tỷ USD) | Nước |
---|---|---|---|
1 | Saudi Aramco | 1.979 | Arab Saudi |
2 | ExxonMobil | 257,3 | Mỹ |
3 | Chevron | 205,29 | Mỹ |
4 | Shell | 175,28 | Hà Lan |
5 | PetroChina | 162,55 | Trung Quốc |
6 | TotalEnergies | 130,56 | Pháp |
7 | Gazprom | 121,77 | Nga |
8 | ConocoPhillips | 95,93 | Mỹ |
9 | BP | 93,97 | Anh |
10 | Rosneft | 84,07 | Nga |
11 | Equinor | 83,6 | Na Uy |
12 | Enbridge | 82,2 | Caanda |
13 | Sinopec | 80,48 | Trung Quốc |
14 | Novatek | 79,18 | Nga |
15 | Duke Energy | 78,08 | Mỹ |
16 | Petrobras | 69,91 | Brazil |
17 | Southern Company | 66,64 | Mỹ |
18 | Lukoil | 64,7 | Nga |
19 | CNOOC | 52,94 | Trung Quốc |
20 | Enterprise Products | 50,37 | Mỹ |
Trong đó, Saudi Aramco là một trong 5 doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ nghìn tỷ USD. Hiện, ông lớn dầu khí của Arab Saudi đang là công ty lớn thứ ba thế giới tính theo vốn hóa thị trường.
Vốn hóa của Saudi Aramco gần tương đương với mức định giá của 19 công ty còn lại trong danh sách. Saudi Aramco là công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới năm 2019, đạt 88 tỷ USD lợi nhuận ròng. Apple giành được danh hiệu này vào năm ngoái, nhưng giá dầu tăng cao có thể đưa Saudi Aramco trở lại ngôi vương trong năm nay.
Mặc dù Standard Oil đã bị tách ra cách đây hơn một thế kỷ, di sản của ông lớn này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. ExxonMobil và Chevron, hai công ty xếp hạng hai và ba trong danh sách vốn hóa ngành dầu khí, chính là "hậu duệ" của Standard Oil.
Ngoài ra, Shell và BP còn là các công ty đã mua lại tài sản từ Standard Oil. Trong danh sách của Visual Capitalist, hai công ty này cũng xếp hạng rất cao, qua đó giữ vững vị thế trên thị trường toàn cầu.
Tính theo khu vực địa lý, 20 công ty dầu khí lớn nhất thế giới theo vốn hóa đến từ 10 quốc gia khác nhau. Mỹ chiếm 6 công ty, trong khi 4 công ty khác có trụ sở tại Nga. 10 công ty còn lại nằm ở Trung Quốc, Brazil, Arab Saudi và châu Âu.
Cái giá phải trả
Bên cạnh than đá, dầu mỏ là một trong các sản phẩm năng lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Do đó, các công ty dầu khí lớn nhất thế giới cũng nằm trong số các tác nhân phát thải hàng đầu.
Trên thực tế, Saudi Aramco là doanh nghiệp xả thải CO2 số một thế giới, chiếm hơn 4% tổng lượng phát thải trên toàn cầu kể từ năm 1965.
Cheveron, Gazprom, ExxonMobil, BP và nhiều ông lớn cùng ngành cũng nối gót Saudi Aramco đi vào danh sách 20 công ty phát thải nhiều nhất trong giai đoạn 1965 - 2017.
Chuyển đổi sang các năng lượng sạch sẽ giúp thế giới giảm bớt lượng khí thải nhà kính. Song, mục tiêu này vẫn còn phải mất thêm hàng chục năm nữa mới có thể hoàn thành. Cho đến khi đó, chúng ta vẫn còn phải phụ thuộc vào dầu mỏ.