|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Fed quyết không để lạm phát bám rễ trên đất Mỹ, CEO JPMorgan cảnh báo thị trường náo động

08:29 | 11/01/2022
Chia sẻ
CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tin tưởng kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những lần tăng lãi suất của Fed, nhưng nhà đầu tư sẽ phải chịu đựng nhiều biến động.
Chủ tịch Fed quyết không để lạm phát bám rễ vào Mỹ, CEO JPMorgan cảnh báo thị trường náo động - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AP).

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khẳng định cơ quan này sẽ ngăn chặn lạm phát cao đeo bám nước Mỹ, đồng thời cảnh báo nền kinh tế hậu đại dịch có thể sẽ khác với giai đoạn mở rộng trước đó.

"Chúng tôi sẽ sử dụng công cụ để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường lao động mạnh mẽ và ngăn chặn lạm phát cao bám chặt vào nước Mỹ", ông Powell cho biết trong tuyên bố mở đầu ngắn gọn chuẩn bị cho buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 11/1.

"Chúng tôi có thể bắt đầu thấy rằng nền kinh tế hậu đại dịch rất có thể sẽ khác trước theo một số khía cạnh. Quá trình theo đuổi các mục tiêu của chúng tôi sẽ cần cân nhắc cả những khác biệt này".

Ông Powell được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Chủ tịch Fed thêm 4 năm nữa, đề cử này cần được Thượng viện thông qua nên ông Powell cần phải ra điều trần tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 11/1.

Thống đốc Lael Brainard được chọn làm phó chủ tịch Fed và sẽ xuất hiện trước ủy ban vào ngày 13/1. Bà kế nhiệm ông Richard Clarida, người sẽ rời vị trí vào ngày 14/1.

Các hoạt động đầu tư của ông Clarida trong năm 2020 – khi Fed chuẩn bị phát tín hiệu cho thị trường rằng họ đã sẵn sàng hành động để hỗ trợ nền kinh tế trước COVID-19 – đang bị dò xét kỹ lưỡng.

Để đối phó với lạm phát nóng nhất trong gần 40 năm, các quan chức Fed đang vội vã kết thúc chính sách hỗ trợ thời đại dịch, đồng thời báo hiệu sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Chủ tịch Fed quyết không để lạm phát bám rễ trên đất Mỹ, CEO JPMorgan cảnh báo thị trường náo động - Ảnh 2.

Theo Bloomberg, mọi quan chức trong cuộc họp tháng 12 báo hiệu sẽ ủng hộ tăng lãi suất trong năm nay, với ước tính trung vị cho thấy ba đợt tăng.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại áp lực giá sẽ bám rễ vào kinh tế Mỹ. Họ dự đoán thị trường lao động mạnh mẽ ngay cả khi kinh tế vật lộn với Omicron. Biến chủng này có thể kéo dài sự gián đoạn mà đại dịch gây ra đối với chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ và nhân lực.

Khi đại dịch lan truyền đầu năm 2020, ông Powell nhanh chóng cắt giảm lãi suất về 0, tiến hành nới lỏng định lượng và bắt đầu triển khai mạng lưới an toàn tài chính lớn nhất trong lịch sử Mỹ để ngăn chặn hoảng loạn trên thị trường và giữ cho dòng tín dụng chảy vào doanh nghiệp.

Ông cũng công bố khuôn khổ chính sách mới để đảm bảo Fed không tăng lãi suất quá sớm khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhằm cho phép lợi ích của thị trường lao động mạnh mẽ lan tỏa sang những cộng đồng thiểu số. Thất nghiệp của Mỹ giảm còn 3,9% trong tháng 12/2021, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đối với người Mỹ da đen tăng lên 7,1%.

Ông Powell ca ngợi hoạt động quản lý và giám sát tài chính của Fed trong 4 năm qua. Ông nói: "Chúng tôi đã làm việc để cải thiện khả năng tiếp cận của công chúng với các khoản thanh toán tức thì, tăng cường tập trung và nỗ lực giám sát vào các mối đe dọa đang phát triển như biến đổi khí hậu và tấn công mạng, đồng thời mở rộng phân tích và kiểm tra sự ổn định tài chính".

Cảnh báo từ CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ

Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO lâu năm của JPMorgan Chase cảnh báo rằng tuy nền kinh tế cơ bản có vẻ mạnh mẽ, nhà đầu tư có thể phải chịu đựng một năm đầy náo động khi Fed hành động để trấn áp lạm phát.

"Thị trường chứng khoán khác nền kinh tế. Chúng tôi dự kiến thị trường sẽ trải qua rất nhiều biến động trong năm nay khi lãi suất đi lên và mọi người phải điều chỉnh dự đoán".

"Nếu chúng ta may mắn, Fed có thể làm chậm mọi thứ lại và chúng ta có thể "hạ cánh mềm"", ông Dimon nói.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán Fed nâng lãi suất 4 lần trong năm nay. Nhưng ông Dimon cho rằng Fed sẽ còn mạnh tay hơn thế: "Lạm phát có thể còn tồi tệ hơn những gì Fed nghĩ và họ tăng lãi suất nhiều hơn những gì mọi người đoán. Cá nhân tôi sẽ ngạc nhiên nếu Fed chỉ tăng lãi suất 4 lần".

Trái với chứng khoán, ông Dimon nhận định Mỹ đang tiến tới tăng trưởng kinh tế cao nhất trong nhiều thập kỷ.

"2022 sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng tốt nhất của Mỹ trong nhiều năm trở lại đây, tôi nghĩ có lẽ là từ sau cuộc Đại Khủng hoảng 1933. Năm tiếp theo cũng sẽ rất tốt".

Sự tự tin của ông Dimon đến từ tình hình tài chính vững chắc của người tiêu dùng. JPMorgan là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản và có quan hệ với một nửa hộ gia đình Mỹ, CNBC cho biết.

"Bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng chưa bao giờ tốt hơn thế này, người tiêu dùng ngày nay chi tiêu nhiều hơn 25% so với trước COVID-19. Chỉ số khả năng chi trả nợ của họ cũng tốt hơn bao giờ hết trong 50 năm chúng tôi lưu trữ dữ liệu".

Giang