Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 28/2 - 4/3: Theo dòng chiến sự tại Ukraine
Quyết định chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của phương Tây dường như sẽ kích hoạt một làn sóng biến động mới khi thị trường mở cửa đầu tuần này.
Ở diễn biến khác, phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có thể sẽ cung cấp một số gợi ý cho nhà đầu tư, đặc biệt là về ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine và đà tăng của giá năng lượng đối với triển vọng chính sách tiền tệ.
Trên mặt trận dữ liệu, báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ dự kiến sẽ củng cố đà phục hồi trên thị trường lao động. Ngoài ra, xu hướng giá cả hàng hóa tăng vọt cũng sẽ là một mối quan tâm lớn của nhà đầu tư trong tuần này, bên cạnh dữ liệu lạm phát của khu vực eurozone.
Investing.com đã tổng hợp một số sự kiến lớn có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Lệnh cấm Nga tham gia hệ thống SWIFT
Hôm 26/2, các đồng minh phương Tây đã công bố thêm biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow, trong đó có việc chặn một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Quyết định này sẽ được thực hiện trong những ngày tới.
Hiện tại, phương Tây vẫn chưa lập danh sách các ngân hàng rơi vào tầm ngắm, nhưng một nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khoảng 70% thị trường ngân hàng Nga sẽ bị ảnh hưởng.
Các nhà đầu tư đã e ngại về khả năng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT từ lâu, vì điều này có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu và gây hại đến lợi ích của Nga lẫn phương Tây.
Một trong các nạn nhân có thể là đồng rúp. Đồng nội tệ của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử so với đồng USD trong tuần qua, dù đã phục hồi một phần khoản lỗ trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Chia sẻ với Reuters, ông Karl Schamotta, chiến lược gia thị trường tại nền tảng Corpay, cho hay: "Trong kịch bản ngân hàng trung ương Nga phải đối mặt với các hạn chế nghiêm khắc, khiến họ khó can thiệp vào thị trường tiền tệ, đồng rúp sẽ phải chật vật dò đáy".
2. Phiên điều trần của Chủ tịch Fed
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với Nga ngày càng leo thang và thị trường vẫn biến động ở mức cao, phiên điều trần của Chủ tịch Jerome Powell sẽ phải đóng vai trò như một lời trấn an đến các nhà đầu tư, rằng Fed sẽ dốc sức kiềm chế lạm phát giữa lúc triển vọng kinh tế khó đoán.
Cụ thể, ông Powell sẽ điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện vào ngày 2/3 và trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện sau đó một ngày.
Từ cuộc họp tháng 1, Fed đã phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất trong tháng 3 để khống chế lạm phát đang neo quanh mức đỉnh 40 năm.
Tuy nhiên, giờ đây các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cân nhắc thêm rủi ro kinh tế và địa chính trị trong cuộc khủng hoảng tại Đông Âu.
Việc Nga tấn công Ukraine sẽ kéo giá xăng dầu tăng lên, từ đó gây ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng. Điều này ắt hẳn sẽ tác động đáng kể đến đà phục hồi kinh tế của Mỹ.
3. Báo cáo việc làm của Mỹ
Các nhà kinh tế dự đoán, trong tháng 2 năm nay, thị trường lao động Mỹ sẽ tạo thêm khoảng 450.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 3,9%, trong khi thu nhập trung bình hàng giờ tăng khoảng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo việc làm chính thức của Bộ Lao động Mỹ dự kiến sẽ được tung ra vào ngày 4/3. Ngoài ra, Mỹ sẽ công bố thêm số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào ngày 3/3.
4. Giá cả hàng hóa
Tuần trước, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã kéo giá dầu thô lên trên mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Giá khí đốt cũng có thời điểm tăng hơn 62% do nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung năng lượng cho châu Âu.
Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới và đồng thời là nhà cung ứng khí đốt tự nhiên hàng đầu của châu Âu.
Các thương nhân sẽ chờ đợi thêm thông tin chi tiết về kế hoạch chặn Nga khỏi hệ thống SWIFT của phương Tây, mục đích là để theo dõi liệu các lệnh trừng phạt này có tác động đến dòng chảy dầu mỏ và khí đốt hay không.
Tuy nhiên, chắc chắn các biện pháp hạn chế mà Mỹ và đồng minh áp đặt cho Moscow sẽ khiến nhiều người không muốn dầu thô của Nga nữa vì e ngại những rủi ro đi kèm.
Ở diễn biến khác, liên minh dầu mỏ OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/3 để quyết định mức tăng sản lượng cho tháng 4. Hiện, các nhà phân tích tin OPEC+ sẽ tiếp tục bơm thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4 tới.
5. Lạm phát của eurozone
Ngày 2/3 tới, khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố số liệu lạm phát giá tiêu dùng (CPI) và giới chuyên gia dự đoán CPI sẽ chạm mức cao kỷ lục mới là 5,3%.
Dữ liệu lạm phát tăng cao sẽ khiến cơn đau đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trở nặng, đặc biệt là ngay trước thềm cuộc họp quan trọng vào tháng 3. ECB cho biết tại cuộc họp sắp tới, họ sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về triển vọng kinh tế của khu vực eurozone sau khi Nga tấn công Ukraine.
Một số quan chức ECB, bao gồm Chủ tịch Christine Lagarde, Phó Chủ tịch Luis de Guindos, kinh tế trưởng Philip Lane và Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel sẽ có bài phát biểu trước khi ngân hàng trung ương này "tắt điện" để chuẩn bị cuộc họp chính sách mới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/