Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 19/10 - 23/10: Mỹ cạn dần thời gian đàm phán gói cứu trợ mới
Ngoài cuộc đàm phán về gói cứu trợ COVID-19, các báo cáo về dữ liệu nhà ở và số liệu thất nghiệp sơ bộ của Mỹ cũng là những điểm nổi bật mà nhà đầu tư ngoại hối có thể quan tâm trong một tuần tương đối im ắng trên lịch kinh tế.
Bên kia Đại Tây Dương, Brexit dường như đang lâm vào ngõ cụt khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) chưa đi đến thống nhất chung.
Ngoài ra, dữ liệu GDP của Trung Quốc vào đầu tuần được dự đoán sẽ cho thấy đà phục hồi bền vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Investing.com đã tổng hợp các sự kiện quan trọng trên thị trường ngoại hối tuần này như sau:
1. Thời gian đàm phán gói cứu trợ cạn dần
Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu cho dự luật cứu trợ COVID-19 của Đảng Cộng hòa (trị giá 300 tỉ USD) vào ngày 21/10 tới. Đề xuất của Đảng Cộng hòa Thượng viện nhỏ hơn rất nhiều so với con số 2.200 tỉ USD mà Đảng Dân chủ Hạ viện mong muốn.
Dự luật trên từng bị giới quan sát cho là quá "teo tóp" và bị Đảng Dân chủ bác bỏ vào tháng trước. Do đó, nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ một lần từ chối dự luật cứu trợ này.
Quốc hội Mỹ không còn bao lâu trước ngày bầu cử tổng thống 3/11 để có thể đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ COVID-19 tiếp theo. Tình hình hiện tại cũng đang khá nguy nan khi số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tiếp tục tăng và tăng trưởng việc làm bị đình trệ vì các cứu trợ trước đã cạn kiệt.
Mỹ hiện đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 8,1 triệu ca nhiễm và gần 220.000 ca tử vong. Trong suốt tháng 10, phân nửa trong số 50 bang của Mỹ liên tục báo cáo số trường hợp nhiễm mới cao kỉ lục.
2. Dữ liệu nhà ở, thất nghiệp của Mỹ
Chính phủ Mỹ sẽ công bố số lượng giấy phép xây mới vào ngày 20/10 và doanh số bán nhà hiện có vào ngày 22/10. Theo Investing.com, hai bộ dự liệu này dự kiến sẽ tiếp tục cho thấy lĩnh vực nhà ở là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Mỹ.
Lãi suất thế chấp thấp kỉ lục đang thúc đẩy ngành bất động sản phục hồi, trong khi triển vọng làm việc tại nhà ngày càng lớn cũng thu hút sự quan tâm của người mua.
Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại hối sẽ theo dõi sát sao số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sau khi dữ liệu tuần trước bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong hai tháng, làm dấy lên lo ngại rằng đà phục hồi của thị trường lao động đang biến mất.
Ngoài ra, trong tuần này Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố Beige Book vào ngày 21/10. Tập tài liệu này tổng hợp đánh giá của 12 chi nhánh Fed về điều kiện kinh tế tại địa phương của họ.
3. Bất ổn Brexit duy trì lợi thế của đồng bảng Anh
Anh và EU nhiều khả năng không thể đạt được một thỏa thuận thương mại trước hạn chót 31/12 năm nay. Do đó, đồng bảng Anh được dự đoán là sẽ giữ vững lợi thế trên thị trường.
Tại cuộc họp thượng đỉnh để thảo luận về vấn đề Brexit tuần trước, các nhà lãnh đạo EU cho biết họ lo ngại về quá trình đàm phán chậm chạp và thúc giục Anh nên thỏa hiệp trong các điều khoản tranh chấp chính hoặc rời khỏi khối kinh tế chung từ ngày 1/1/2021 mà không có thỏa thuận chuyển đổi.
Ba điểm vướng mắc giữa hai bên là cạnh tranh công bằng, cơ chế giải quyết tranh chấp và nghề cá.
Đồng bảng Anh có thể tăng giá khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Anh sẽ không từ bỏ đàm phán. Tuy nhiên, với kịch bản đàm phán kéo dài, cùng với ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19, đồng bản Anh có thể bị tác động ít nhiều.
4. GDP của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quí III vào ngày 19/10. Báo cáo dự kiến cho thấy tác động của đại dịch với nền kinh tế Trung Quốc đang dần lùi xa hơn.
So với cùng kì năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,2% trong quí III năm nay, tăng từ mốc 3,2% của quí II.
Nếu số liệu ổn định như dự đoán thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn. Theo giới chuyên gia, số liệu GDP quí III cũng sẽ cho thấy sự phục hồi trong chi tiêu bán lẻ của người dân Trung Quốc.